Saturday, January 12, 2013

Đọc ‘Bên Thắng Cuộc’ của Huy Đức


Nguyễn Mạnh Trinh -Từ khi cuốn Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức được  phát hành đến nay, đã có nhiều ý kiến cả trong nước lẫn hải ngoại. Có người khen, có người chê, nhưng phần đông đều coi như là một cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề mà người Việt Nam cần quan tâm.

Trong bài mở đầu, Huy Đức viết: “Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30/04/1975 – ngày nhiều người tin là Miền Bắc đã giải phóng iền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là Miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế, chính trị học và xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975 và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.

Tư liệu cho cuốn sách được thu thập trong hơn hai mươi năm. Trong vòng ba năm từ tháng 8/2009 đến tháng 8/2012 tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để viết…”

Theo như Huy Đức viết, ông chỉ là người kể chuyện, trình bày những sự kiện lịch sử Việt Nam trong “Bên Thắng Cuộc”. Thế mà, ở trang bìa, không biết “cách đọc” và “cách hiểu” ra sao mà lại có người viết: “Cuốn sách phân tích tình hình Việt Nam từ năm 1975 – của một nhà báo sinh ra và lớn lên trong chế độ Cộng sản – một cách chuyên nghiệp và công bằng hiếm có. Nó là một kho tàng dữ liệu quý báu có thể làm ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên qua.”

Những điều mà tác giả Huy Đức đề cập đến hầu hết đều là những vấn đề mà chế độ trong nước gọi là “nhạy cảm” và đôi khi còn bị cấm đoán nữa. Trong khi phần lớn những vấn đề ấy lại thường xuyên được đề cập ở hải ngoại và là những điều không mới lạ lắm. Một điều dễ nhận thấy là trong phong cách nghĩ và viết của Huy Đức vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng địch-ta thời chiến tranh. Mặc dù tác giả có cố công để nêu lên và vạch trần sự thực nhưng những dữ kiện ấy vẫn được chọn lọc trong một giới hạn được cho phép. Vì khai thác những tài liệu, chứng cớ từ báo chí sách vở trong nước nên tác giả không thoát ra được những ngôn từ hay ý nghĩ đã ăn sâu vào tâm thức của những người sống trong chế độ Cộng sản. Lúc thì gọi là ngụy quân, ngụy quyền, lúc thì gọi là Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, lúc thì gọi là địch quân, lúc thì quân Nam Việt Nam, lúc thì quân đội Sài Gòn, chứng tỏ ảnh hưởng của chế độ Cộng sản vẫn còn hằn dấu trong tác phẩm. Từ đó thấy sự chắp vá không nhất quán trong tác phẩm.

Huy Đức đã viết về những ngày đầu tháng 5/1975 ở Sài Gòn như sau: Cuộc cướp chính quyền sớm nhất ở Sài Gòn được nói đến đã diễn ra vào lúc 7 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975 tại Phường Trần Quang Khải, Quận 1. Chi bộ đảng bí mật ở đây đã cho vây bót Tân Định, tước võ khí của những cảnh sát viên vào giờ ấy chỉ mong sớm được về với gia đình. Ngay sau khi Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố bàn giao chính quyền ở Quận 11 cờ cũng được cắm trong dinh quận trưởng. Tiến trình “cướp chính quyền” và xây dựng chính quyền thường được bắt đầu như trường hợp ở Phường Cây Bàng… “Khi tiếng súng của quân giải phóng bắn tới tấp vào các căn cứ quân sự của địch, nhân dân Phường Cây Bàng đồng lòng nổi dậy phá kềm, truy quét kẻ địch, giành quyền làm chủ về tay mình và tràn ra đường đón quân giải phóng. Khi các chiến sĩ ta tiến vào, đồng bào mừng reo hoan hô nhiệt liệt. Ngay sau khi dẹp xong giặc ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tự quản được thành lập. Các tổ chức nhân dân cách mạng cũng được khẩn trương xây dựng. Đến nay, 2 tháng 5, Phường Cây Bàng đã thành lập xong Tổ An ninh, Hội Mẹ Giải phóng, Tổ Thông tin Tuyên truyền, Tổ Y tế và Ủy ban Tự quản. Đang xúc tiến thành lập Tổ Cứu đói và Phòng chống Hỏa hoạn…”
Những người ở Sài Gòn thời điểm đó có ai hay biết gì về tiến trình cướp chính quyềnkhông? Sự thật ở đâu qua những câu viết như thế? Có phải vì ảnh hưởng của những bài học cướp chính quyền còn sót lại? Lấy những bài báo viết theo mục đích tuyên truyền nhất thời thì chẳng phải là một công việc kiếm tìm sự thực lịch sử mà còn tạo thành những bức màn che giấu sự thực. Cũng như trường hợp trích đoạn bài viết trên báo Tuổi Trẻ của dân biểu VNCH – một nhân vật thiên tả – Phan Xuân Huy, về Thiếu tá Lê Quang Liễn, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 7 TQLC Quân lực VNCH dù biết là vu cáo để tuyên truyền cho đến khi bị phanh phui thì xin lỗi nhưng chống chế một cách thật khôi hài là viết như thế để chứng tỏ rằng trong giai đoạn ấy cũng có những bài báo không trung thực. Sao trong lúc trích dẫn ở trong sách không có nhận xét ấy mà đến khi bị than phiền khiếu nại mới cải chính xin lỗi?

Đề cập đến những lãnh tụ Cộng sản, đặc biệt là Lê Duẩn và Võ Văn Kiệt, tác giả phác họa ra một chân dung đời thường, với một vài chi tiết về đời sống gia đình, đời sống thường nhật để cố tình tạo ra một con người với cả những nét xấu cũng như những điểm tốt nhưng tuyệt nhiên không nhận định phê phán. Có những sự kiện được đưa ra với dụng ý để trình bày cái được gọi là “sự thực” dưới một nhãn quan khác. Ví dụ như đoạn văn sau đây: “Giữa trưa ngày 7/1/1979 khi nghe con rể là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh thức báo tin ‘Quân ta đã vào Phnom Penh’, ông Lê Duẩn chỉ ‘ừ’ rồi ngủ tiếp. Ông Hồ Ngọc Đại nói ‘tôi rất ngạc nhiên. Khi nhận được điện thoại từ Cục Tác chiến tôi cũng không ngờ chuyện long trời lở đất như thế mà ông vẫn ngủ. Đưa đại quân đến thủ đô một quốc gia khác tưởng nhẹ như một giấc ngủ trưa của một đấng quân vương nhưng phải mười năm sau Quân đội Việt Nam mới rút được chân ra khỏi đó’” Cũng là một sự kiện nhưng hiểu theo nhiều cách. Lê Duẩn không thấy sự kiện ấy quan trọng bởi vì sự kiện mà con rể vào báo đã mất thời gian tính bởi vì ông con rể này không trực tiếp ở Bộ Tổng Tham mưu quân đội nên không thể là tin mới nhất. Thành phố Nam Vang đã bị Khmer Đỏ bỏ trống thì việc chiếm đóng là dĩ nhiên thôi. Nhưng Huy Đức đã dùng thủ thuật để tạo ra một phác họa khác hơn về chân dung Lê Duẩn. Chả thế mà trong Teq’s Blog của cùng “phe ta” với Huy Đức đã có người khen:

“Theo tôi cuốn sách này có một điểm xuất sắc lớn và một điểm mới mẻ lớn: Mới mẻ ở chỗ cuốn sách đem đến những chân dung cụ thể về các vị lãnh đạo. Các vị lãnh đạo được nhắc tới trong sách được kể một cách sống động, rất con người thường nhật. Chẳng hạn như (bác) Lê Duẩn trước nay tôi vẫn chỉ nghe phê phán về những sai lầm những năm cầm quyền cuối đời. Thì ở trong sách này, (bác) Duẫn hiện lên một cách sáng sủa có những tư duy vĩ đại (trong bối cảnh đó, như cách mà ‘bác’ nghĩ là cần bình thường hóa quan hệ với Mỹ ngay sau chiến thắng năm 1975) bên cạnh những sai lầm vĩ đại (cũng trong thời điểm đó)”. Điểm mới mẻ này làm tôi nghĩ dường như cuốn sách được viết để thanh minh cho các vị lãnh đạo, và hơn nữa, cho chế độ. Bên cạnh những phê phán (không mới, đài địch nói ra rả) thì có những ngợi ca (có vẻ như) kín đáo mà (thực sự là) du dương. Chắc là ngu ngốc mà lại cố tỏ ra nguy hiểm, tôi thấy đây là một cuốn có tác dụng tuyên truyền.

Không biết lời khen này về Bên Thắng Cuộc và Huy Đức có đúng không?

Nguyễn Mạnh Trinh

No comments:

Post a Comment