Friday, March 14, 2014

BÙI THỊ MINH HẰNG VÀ CÁC THỦ ĐOẠN QUEN THUỘC CỦA CÔNG AN

Nguyễn Ngọc Già  - Sau kỳ UPR, "món nợ" 227 khuyến nghị đang chờ giới cầm quyền Việt Nam trả, thì tình hình nhân quyền tại quốc gia này ngày thêm tồi tệ. Đó như là sự "giỡn mặt" với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. 

Liên quan đến bà Bùi Thị Minh Hằng. 
Sau sự việc hành hung dã man vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển cùng 21 người tại Lấp Vò - Đồng Tháp, hiện nay nhà cầm quyền Đồng Tháp vẫn tiếp tục giam giữ trái pháp luật ba người: Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh, tính đến nay đã hơn 1 tháng, kể từ hôm 11/2/2014. Sự việc bắt người phi pháp đã khiến họ quyết định tuyệt thực để phản đối. Các con của bà Bùi Thị Minh Hằng đã liên hệ đến hầu hết tất cả những nơi họ có thể nghĩ ra để cứu người mẹ của mình. Tính mạng của ba công dân nói trên đang bị đe dọa nghiêm trọng liên tục suốt 1 tháng qua. 
Điều cần nói trước tiên, cho đến nay chưa có quyết định bằng văn bản chính thức khởi tố bà Hằng, bà Quỳnh và ông Minh theo luật hiện hành. Công an Đồng Tháp đã vi phạm rất nhiều điều trong Luật Tố Tụng Hình Sự, đơn cử: điều 10,11,12,13 v.v... cho đến 48, 49, 50, 54, 55, 104 v.v... 
Theo đó, thuật ngữ "người làm chứng" có ý nghĩa khi và chỉ khi quyết định khởi tố vụ án được ban hành chính thức. Suy ra, không có vụ án được khởi tố, đồng nghĩa chưa có bị can bị khởi tố. Như vậy, việc công an Đồng Tháp dùng "giấy triệu tập" đối với 5 người bạn bà Hằng với tư cách "người làm chứng" [1] gồm: Phan Đức Phước, Nguyễn Vũ Tâm, Tô Văn Mãnh, Bùi Thị Diễm Thúy và Đỗ Thị Thùy Trang, nó hoàn toàn vô hiệu, vô giá trị. 
Khi nào "giấy triệu tập" được phát hành? Thưa, chỉ khi (các) vụ án và (các) bị can đã có quyết định khởi tố. Bởi vì cụm từ "triệu tập" chỉ dùng với: bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, người tố cáo v.v... Do đó, nếu ai bị quấy nhiễu bằng "giấy triệu tập" nên lưu ý điểm này để đấu tranh dứt khoát ngắn gọn: Không có vụ án, bị can bị khởi tố nghĩa là không có khái niệm "giấy triệu tập" trong cuộc nói chuyện giữa công an khu vực, công an phường (xã), công an quận (huyện) cho đến công an thành phố (tỉnh) với người đang bị quấy nhiễu. 
Luật gia Tạ Phong Tần phân tích từ lâu [2]: "...Không được phép triệu tập khơi khơi... Thật ra, giấy triệu tập chẳng có gì là ghê gớm, đó là một loại Giấy mời được các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) sử dụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự, và được quy định rõ, chi tiết cụ thể các trường hợp sử dụng trong Bộ Luật Tố Tụng Hình sự. Theo quy định, khi tiến hành hoạt động tố tụng không sử dụng Giấy mời mà chỉ có duy nhất giấy triệu tập". 
Xin nhấn mạnh lời của Luật gia Tạ Phong Tần luôn nhắc đến cụm từ "vụ án", cũng như trước đây khá lâu khi phân tích cáo trạng truy tố thầy giáo Đinh Đăng Định [3], người viết bài này đã từng chia sẻ với độc giả về cái gọi là "giấy mời" và "giấy triệu tập".
Nhằm bảo vệ bản thân, 5 người bạn của bà Hằng cần căn cứ theo "giấy triệu tập" của công an gởi đến, cân nhắc và tham vấn ý kiến của luật sư để làm đơn khiếu nại. Trong đơn khiếu nại, cần cô đọng nhưng đầy đủ nội dung buổi làm việc, cũng như xác quyết hoàn toàn không chịu trách nhiệm về nội dung do công an ghi hôm ấy (mặc dù theo tin cho biết, cả 5 người đều không ký vào biên bản làm việc, nhưng vẫn rất cần thiết có văn bản chính thức, ở đây chính là "đơn khiếu nại" của cá nhân 5 người bạn bà Hằng). Điều này cũng góp phần hóa giải điều LS. Trần Thu Nam băn khoăn: "Chúng tôi cũng đã lường trước những sự việc này rồi và may mắn là họ không ký vào biên bản lấy lời khai đó. Đây là khó khăn cho quá trình bào chữa cho bà Bùi Thị Minh Hằng. Nếu không ký tên thì không có chứng cứ trong hồ sơ nhưng nếu ký thì sẽ bất lợi. Đây là khó khăn mà chúng tôi đang nghĩ để tìm cách giải quyết nó...".
Đơn khiếu nại này ngoài việc đưa lên các trang báo, nên gởi cho cả công an Đồng Tháp, Viện Kiểm sát Đồng Tháp, UBND Tỉnh Đồng Tháp, HĐND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân Nguyện thuộc Quốc hội, Thanh Tra tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt gởi tới "Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm" theo QĐ 187/QĐ - TTg ban hành ngày 18/01/2013, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đảm nhận trưởng ban và Bộ trưởng Bộ Công an - Trần Đại Quang (cũng là phó ban thường trực).
Mặt khác, các lá đơn khiếu nại này trở thành quá trình thu thập chứng cớ cần tích lũy. Đó là các chứng cớ rất quan trọng cho cả quá trình bị quấy nhiễu, bởi vì ai cũng biết, phía công an bắt người vô cùng tùy tiện và muốn "triệu tập" thì "triệu tập" mà không cần viện dẫn theo bất kỳ điều luật nào. Lúc đó, chúng ta dễ rơi vào tâm trạng phẫn uất, bởi trong tay không có một bằng chứng nào cả. Xin đừng quan tâm việc họ nhận hay không nhận đơn. Quan trọng là có bản lưu và giấy biên nhận gởi qua đường bưu điện. 
Chúng ta đang thực hiện quyền công dân từ việc nhỏ nhất, trước nhất cho bản thân mình. Hãy bảo vệ mình bằng cách giản dị nhất, trước khi bảo vệ người khác. Nếu bạn đọc nào có khả năng, xin hãy nghĩ đến một hợp đồng với Luật sư riêng mà mình tin tưởng.
Công an muốn làm gì thì làm?
Đài RFA phỏng vấn cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai [4], giảng dạy tại trường trung học cơ sở An Thới Đông, trong một vụ việc bị nhiều công an Tiền Giang xâm phạm bất hợp pháp tư gia và các quyền thư tín, thông tin cá nhân mà không đưa ra bất kỳ lý do chính đáng nào. Sau khi đã hết sức nhã nhặn hợp tác với tư cách nhà giáo, cô Xuân Mai đã thu dọn tất cả những kiên nhẫn cần có để buộc phải đuổi các viên công an ra khỏi nhà vào lúc 11 giờ khuya ngày 06/3/2014, sau 10 tiếng đồng hồ liên tục "làm việc" cùng công an tại trường và tại nhà riêng. Mặc dù những người mà cô giáo Xuân Mai vừa "làm việc" là lực lượng bảo vệ nhân dân, nhưng vẫn không đánh tan nỗi lo sợ trong cô (!) vì khu vực xung quanh tư gia rất vắng vẻ và cô sống độc thân.
Chưa hết, theo blogger Phương Bích [5]: "...có 2 công an xã đến trường nơi cô giáo Xuân Mai đang dạy học, đưa giấy mời của ông Danh - an ninh tỉnh yêu cầu cô 8h sáng mai 11/3 có mặt tại công an tỉnh để trao đổi về một số nội dung xấu trên facebook của cô..."
Mới đây, blogger Paulo Thành Nguyễn - người đã bị cấm xuất cảnh ngày 15/1/2014 theo "lời mời tham gia cùng các tổ chức NGO vận động Nhân Quyền cho Việt Nam tại Quốc hội và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ" - báo động [6]: an ninh thuộc Công an Tp.HCM đã liên tục rình mò anh một cách lén lút nhưng bị anh phát hiện với hình ảnh cụ thể, chỉ rõ mặt viên an ninh tên Bình, một người mà Paulo Thành Nguyễn cho hay là rất quen và bám theo gia đình anh suốt 2 năm nay.
Chắc chắn mọi chuyện sẽ không bao giờ kết thúc tại đây như nhiều vụ bị xách nhiễu khác. 
Giới công an luôn cố tình tạo căng thẳng, rúng ép người dân và đẩy mọi việc đi quá giới hạn luật pháp. Họ sẵn sàng xông vào tư gia bất thình lình khám xét, gây phiền hà từ nguồn tin vu vơ, thậm chí chỉ cần một đố kỵ, ganh ghét nhỏ nhoi từ kẻ vu khống nào đó cũng sinh chuyện. Ý nghĩa này làm phơi bày sự vô giáo dục cùng bản chất nhỏ mọn cũng như không cho thấy một chút nghiệp vụ bài bản cần có của công an như là đại diện cho bộ mặt quyền lực "nhà nước". Từ đó giới công an ngày càng trở nên đổ đốn về tư cách, bệ rạc về tư thế và họ không còn hiểu họ là ai, đang làm gì. Tình trạng này đã trở thành "căn bệnh mãn tính" xuất phát từ việc "xé luật" thường xuyên của công an, bất chấp thông điệp đầu năm của Thủ tướng: "Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép...".
Do đó, thiết nghĩ trường hợp của cô giáo Xuân Mai và blogger Paulo Thành Nguyễn, có lẽ một đơn tố cáo phù hợp hơn đơn khiếu nại như trường hợp của 5 người bạn bà Bùi Thị Minh Hằng. 
Sự khác nhau giữa đơn tố cáo và đơn khiếu nại: Chiếu theo Luật Khiếu Nại và Luật Tố Cáo cho thấy: 
- Việc công an Đồng Tháp bắt giam bà Hằng, bà Quỳnh, ông Minh dù sai luật nhưng đã xảy ra. Năm người bạn nói trên có liên quan, lại nhận "giấy triệu tập" với tư cách "người làm chứng". "Giấy triệu tập" như thế là một "hành vi hành chính"ở đây là hành vi trái phép, do đó cần làm đơn khiếu nại. 
- Trường hợp cô giao Xuân Mai và anh Paulo Thành Nguyễn là chủ thể trong việc trực tiếp bị xâm phạm lợi ích, an ninh cá nhân và có bằng chứng, nên cần làm đơn tố cáo. Vì hành vi rình mò của viên an ninh đối với Paulo Thành Nguyễn và hành vi xâm phạm thô bạo vào tài sản và tư gia của cô giáo Xuân Mai, chính là "hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích [...] của công dân..."
Kết
Trong rất nhiều trường hợp bị xách nhiễu bằng "giấy mời", "giấy triệu tập" cho đến rình mò lén lút hoặc bất thần tông xe, đánh đập như đã diễn ra nhiều lần với nhiều người, thiết tưởng các công dân này cần kiên trì và bình tĩnh đưa sự việc lên rộng rãi và sử dụng pháp luật công khai căn cứ theo "Luật tố cáo" và "Luật khiếu nại", trong đó "Luật tố cáo" là bộ luật chỉ dành riêng cho công dân, còn "Luật khiếu nại" là bộ luật đề cập đến công dân trước hết , sau mới nhắc đến cơ quan, tổ chức. Không nên buông xuôi như một vài trường hợp đã xảy ra, bởi có buông xuôi, với bản chất độc tài toàn trị và bảo thủ cùng cực, không chắc giới an ninh "buông tha" cho chúng ta. 
Trường hợp ông Phạm Đình Thành trong việc giúp đỡ người bạn là ông Nguyễn Văn Thạnh đã bị gây khó khăn cho việc tạm trú là điều phải suy nghĩ [8]. Nếu có bất kỳ điều gì đáng tiếc xảy ra như ông Phạm Đình Thành đã nói, tất cả mọi hậu quả cần phải điểm mặt: do giới công an cố tình gây ra hậu quả nghiệm trọng.

No comments:

Post a Comment