Thư Hiên
- Mấy
tuần qua, dư luận cộng đồng mạng rúng động bởi “kỳ án” Nhã Thuyên. Diễn biến gần
đây nhất là sự kiện ngày 27/3, cô Đỗ Thị Đoan bị Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mời đến
để nhận các quyết định thu hồi bằng và hủy luận văn thạc sĩ nhưng cô từ chối
không nhận các quyết định này. Trước đó thì PGS TS Nguyễn Thị Bình, người hướng
dẫn Nhã Thuyên làm luận văn này không được kéo dài thời gian làm việc dù luật định
cho phép.
Câu chuyện được bắt đầu từ mùa hè năm 2013 và khá rùm beng trên nhiều báo chính thống vào thời điểm đó. Nhưnghiện nay, ngay cả những báo chính thống đã từng “đánh” Nhã Thuyên cũng không đăng tải dòng nào về các quyết định trên. “Bí mật” được tiết lộ qua một tờ báo vẫn bị dư luận xem là “lá cải”, Kinh doanh và Pháp luật. Tờ này đăng tải đơn kêu cứu của PGS TS Nguyễn Thị Bình về việc bà Bình bị Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho nghỉ hưu sớm 5 năm mà không có lý do xác đáng. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức bài viết đã bị gỡ xuống, nhưng sự hiện hữu ngắn ngủi của nó vẫn kịp để nhiều trang mạng và báo “lề trái” chộp được.
Câu chuyện được bắt đầu từ mùa hè năm 2013 và khá rùm beng trên nhiều báo chính thống vào thời điểm đó. Nhưnghiện nay, ngay cả những báo chính thống đã từng “đánh” Nhã Thuyên cũng không đăng tải dòng nào về các quyết định trên. “Bí mật” được tiết lộ qua một tờ báo vẫn bị dư luận xem là “lá cải”, Kinh doanh và Pháp luật. Tờ này đăng tải đơn kêu cứu của PGS TS Nguyễn Thị Bình về việc bà Bình bị Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho nghỉ hưu sớm 5 năm mà không có lý do xác đáng. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức bài viết đã bị gỡ xuống, nhưng sự hiện hữu ngắn ngủi của nó vẫn kịp để nhiều trang mạng và báo “lề trái” chộp được.
Mất việc
Cô
Đỗ Thị Thoan (vẫn được gọi bằng bút danh là Nhã Thuyên) vốn là sinh viên K53
Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ĐH, cô tiếp tục theo
học khóa cao học K18 tại trường này (năm học 2009 – 2010). Luận văn thạc sĩ “Vị trí của
kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa” của cô được hội đồng thẩm định của
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá xuất sắc. Đây là một trong những lý do giúp
cô được ký hợp đồng ngắn hạn làm giảng viên giảng dạy môn Văn học Việt Nam hiện
đại tại khoa Ngữ Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ tháng 9/2012.
Theo sự phân công của lãnh đạo khoa Ngữ
văn và tổ trưởng tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, cô Nhã Thuyên (từ giờ
chúng tôi xin phép được gọi cô Đỗ Thị Thoan bằng cái tên này bởi nó quen thuộc
với giới nghiên cứu văn học và dư luận) dạy chuyên đề Văn học người Việt ở hải
ngoại cho sinh viên năm thứ 3. Đây là một học phần tự chọn, tuy mới nhưng nhanh
chóng tạo được sự hấp dẫn đối với sinh viên. Trước Nhã Thuyên, ở khoa Ngữ văn
có TS Nguyễn Phượng đã (và đang) thành công trong việc dạy chuyên đề này. Mỗi
học phần Văn học người Việt ở hải ngoại do TS Nguyễn Phượng hoặc Nhã Thuyên dạy
có khoảng trên dưới một trăm sinh viên tham gia. Trong khoa còn có một giảng
viên nữa cũng dạy chuyên đề Văn học người Việt ở hải ngoại.
Nhưng những rắc rối với Nhã Thuyên lại
bắt đầu từ chính chuyên đề cô được lãnh đạo khoa phân công giảng dạy. Trao đổi
với chúng tôi, Nhã Thuyên cho biết: “Khoảng tháng 4/2013 trong khoa bắt đầu có
thông tin cơ quan an ninh đến kiểm tra việc giảng dạy của tôi. Lúc đó tôi đã
làm một văn bản giải trình nội dung từng buổi dạy theo yêu cầu của khoa… Sau đó
tưởng như mọi việc được giải quyết êm thấm theo nghĩa mình cũng chẳng có vấn đề
gì về tư tưởng. Tôi vẫn được tiếp tục dạy cho đến khi kết thúc học phần cho
sinh viên cũng như vẫn được chấm bài bình thường. Nhưng cuối tháng 5/2013 thì
khoa có một buổi nói chuyện với tôi. Họ nói rằng mong tôi hiểu cho họ về việc
họ phải chịu một sức ép từ cơ quan an ninh và họ không thể ký tiếp hợp đồng để
tôi có thể tiếp tục giảng dạy tại khoa nữa”.
Tuy nhiên Nhã Thuyên cũng cho biết cô
thật sự không biết “an ninh” là những ai. Cô chỉ nghe nói đến họ. Còn mọi trao
đổi về những việc liên quan tới công việc giảng dạy của cô từ trước đến nay, cô
chỉ được thực hiện với lãnh đạo khoa Ngữ văn.
“Tổng tấn công”
Dẫu
hết tháng 5/2013 Nhã Thuyên không còn là giảng viên của khoa Ngữ văn Trường ĐH
Sư phạm Hà Nội nữa nhưng cô vẫn tiếp tục bị “truy đuổi” bằng một loạt bài báo
xuất hiện trên các tờ Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Nhân dân, Quân đội Nhân dân… Căn
cứ để “họ” truy đuổi cô là luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ xuất sắc từ năm
2010. “Đầu tiên là một bài báo của Chu Giang trên tờ Văn nghệ TP Hồ Chí Minh
vào khoảng 26, 27/5 (bài Có giải thiêng lịch sử được không? của tác giả Chu Giang, Tuần báo Văn
nghệ TP Hồ Chí Minh, trang 16, số 256 – HTN). Tôi nghe đồn sẽ có 5 kỳ, nhưng
thực tế họ đăng 4 kỳ. Nhưng loạt bài này chưa tạo được sự ầm ĩ nào với truyền
thông, cho đến khi xuất hiện hai bài trên Nhân Dân và Quân đội Nhân dân vào
khoảng tháng 7/2013”, Nhã Thuyên nhớ lại.
“Đánh”
trên truyền thông chưa đủ. Trong hội nghị lý luận phê bình lần thứ 3 của Hội
nhà văn Việt Nam tại Tam Đảo (4, 5/6/2013), nhà phê bình Chu Giang (tức nhà văn
Nguyễn Văn Lưu) còn đăng đàn để cảnh báo hiện tượng kích động phản loạn của
luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc
nhìn văn hóa” của tác giả Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên). Quan điểm này được GS
Phong Lê hưởng ứng bằng cách “hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức
năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn
cũng như hội đồng chấm luận văn” (nguồn: http://119.15.167.94/qdndsite/vi-vn/61/43/chong-dien-bien-hoa-binh/mot-goc-nhin-phan-van-hoa-va-phi-chinh-tri/250927.html).
Nhận xét về chiến dịch “đánh” Nhã
Thuyên, trên blog của mình, GS Trần Đình Sử, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn,
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội viết: “Cuộc phê phán luận văn thạc sĩ năm 2010 của
giảng viên đai học Đỗ Thị Thoan hiện đang rầm rộ khắp cả nước, trên các báo
lớn, báo nhỏ với đủ các từ quy kết nặng nề như “phản văn hóa”, “phản động”,
“mượn danh khoa học để làm chính trị”, “ngụy khoa học”, “sự lệch chuẩn”, “sự
nổi dậy của rác thối”, “tham vọng soán ngôi của rác thối”… Một đám cháy đang
bùng lên dữ dội trên văn dàn. (…) Đồng thời với sự phê phán là các đề nghị cách
chức, xử lí những người hữu quan, và thực tế đã không tiếp tục kí hợp đồng
giảng dạy với cô giáo Nhã Thuyên một cách vội vàng, chưa đủ thủ tục pháp lí.
Thông thường người ta chỉ xử lí sau khi đã nghị án rõ ràng, có người bào chữa,
có ý kiến của đương sự. Đằng này tất cả đều làm rất nhanh, bên trên, sau lưng
đương sự, thiếu các thủ tục dân chủ tối thiểu trong một xã hội được coi là đề
cao dân chủ thì thật tiếc là thiếu sự đàng hoàng”.
Trước
sự tấn công ồ ạt của “phe đánh” Nhã Thuyên, nhà phê bình văn học Phạm Xuân
Nguyên là người đầu tiên có bài viết phản biện được đăng trên báo chính thống,
bài “Từ một bản luận văn”. Bài được đăng
trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh (báo giấy) số ra ngày chủ nhật 28/7/2013. Sau
khi bài được đẩy lên bản điện tử của báo này thì Vietnamnet cũng đăng lại. Tuy
nhiên, ngay sau đó cả hai báo điện tử đã gỡ bài xuống (nhưng hiện bài vẫn còn
trên trang Báo mới với chú giải nguồn dẫn từ báo Pháp luật TP HCM). Nhiều nhà
phê bình, nhiều học giả cho biết những bài viết được xem là có chiều hướng
“bênh” Nhã Thuyên của họ đều bị các báo chính thống từ chối đăng tải.
Trong diễn biến đó, lãnh đạo Khoa Ngữ
văn đã họp với PGS TS Nguyễn Văn Long, chủ tịch hội đồng chấm luận văn của Nhã
Thuyên hồi năm 2010. Không hài lòng với kết quả cuộc họp với PGS Nguyễn Văn
Long, ngày 27/7/2013, Khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức một hội
thảo khoa học mở rộng lấy ý kiến các nhà khoa học về luận văn thạc sĩ của Nhã
Thuyên. Hội thảo được tổ chức với chiêu bài mổ xẻ các vấn đề có tính học thuật
trong một luận văn thạc sĩ đã được thẩm định nhưng không hề có mặt toàn bộ hội
đồng chấm cũng như tác giả của luận văn.
Theo
một học giả được mời, hội thảo gần giống như một cuộc “họp kín”. Các đại biểu tham
gia hội thảo được yêu cầu không sử dụng máy ghi âm cũng như không được tiết lộ
nội dung hội thảo ra ngoài. Tuy nhiên, kết quả cuộc họp có thể không đạt mục
tiêu “đánh” Nhã Thuyên khi mà nhiều học giả bày tỏ quan điểm đòi hỏi phải có
một ứng xử khoa học với một công trình khoa học. Một nguồn tin khác thì kể lại
với chúng tôi: “Trong số các ý kiến có đòi hỏi cần phải ứng xử khoa học với
luận văn có GS Đặng Anh Đào và GS Phùng Văn Tửu. Cả hai giáo sư này đều khẳng
định, việc họ đến bắt tay ông Chu Giang rồi khen phát biểu của ông ấy hay như
tường thuật trong một bài báo là không chính xác”. Bài báo mà nguồn tin này
nhắc đến là bài cuối trong loạt bài “Luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề…”
được đăng trên báo Thanh tra (http://thanhtra.com.vn/ky-cuoi-khong-the-xam-pham-gia-tri-thieng-lieng_t221c8n57577tn.aspx).
Tận diệt?
Sau sự kiện trên, sự việc tạm thời im
ắng. Nhã Thuyên đã bị mất việc làm, PGS TS Nguyễn Thị Bình bị hao tổn tâm trí,
dư luận ngỡ rằng có thể “họ” đã để cho vụ việc trôi vào dĩ vãng.
Đột nhiên, đầu tháng 3, giới chuyên gia
trong và ngoài nước được một phen bổ chửng khi được biết, PGS TS Nguyễn Thị
Bình, người hướng dẫn Nhã Thuyên làm luận văn thạc sĩ, buộc phải về hưu trong
một bối cảnh hết sức bất bình thường.
Theo thông báo của Trường ĐH Sư phạm Hà
Nội mà PGS TS Nguyễn Thị Bình cung cấp cho báo Kinh doanh và Pháp luật, bà Bình
sinh tháng 9/1956. Đến tháng 9 tới, bà Bình tròn 58 tuổi. Theo nghị định 141
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐH, nữ giảng viên ĐH có chức danh phó
giáo sư được kéo dài thời gian làm việc so với tuổi nghỉ hưu mà pháp luật hiện
hành quy định không quá 7 năm. Như vậy, về lý, bà Bình có thể được giảng dạy
tại Khoa Ngữ văn đến tháng 9/2018, nếu thoả mãn hai điều kiện: (1) bà Bình có
đủ sức khoẻ, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; (2) cơ sở GD ĐH có nhu cầu
và chấp thuận. Điều kiện (1), theo diễn đạt của bà Bình gửi cho báo Kinh doanh
và Pháp luật thì bà có đủ sức khoẻ và tự nguyện kéo dài công việc. Vấn đề còn
lại ở điều kiện (2). Theo thông báo của trường, quả là có chuyện Đảng uỷ Trường
ĐH Sư phạm Hà Nội “không đồng ý kéo dài thời gian làm việc với PGS TS Nguyễn
Thị Bình”. Nhưng tại sao “không đồng ý” thì đến nay Đảng uỷ cũng như Ban giám
hiệu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chưa có bất kỳ lời giải thích nào mặc dù bà Bình
đã bốn lần đề nghị bằng văn bản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất khó xảy
ra khả năng PGS TS Nguyễn Thị Bình buộc phải về hưu là do khoa Ngữ văn Trường
ĐH Sư phạm Hà Nội không còn cần đến sự đóng góp của bà. Được biết, đến thời
điểm nhận thông báo trên, PGS TS Nguyễn Thị Bình là tổ trưởng Tổ Văn học Việt
Nam hiện đại của Khoa Ngữ văn. Hiện tại Tổ Văn học Việt Nam hiện đại của Khoa
Ngữ Văn vẫn chưa có tổ trưởng. Ban đầu, Khoa Ngữ văn đề xuất bổ nhiệm TS Chu
Văn Sơn bởi ông đang là tổ phó, nhưng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không chấp nhận
(dư luận nghi ngờ có thể vì TS Chu Văn Sơn là thành viên của hội đồng chấm luận
văn Nhã Thuyên hồi 2010 và ông đã từng cho luận văn này điểm 10). Về sau nhà
trường định bổ nhiệm PGS TS Vũ Thanh (lúc đó đang là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ
văn) trong khi ông Thanh không nghiên cứu văn học Việt nam hiện đại. Nhưng ông
Thanh từ chối nên đến giờ TS Chu Văn Sơn vẫn tạm thời phụ trách Tổ Văn học Việt
Nam hiện đại.
Đã vậy, trong số 7 giảng viên của nhóm
Văn học Việt Nam sau 1945, bà Bình là người duy nhất có học hàm Phó Giáo sư,
đồng thời cũng là người duy nhất trong nhóm đến nay được nhà nước phong học
hàm. Việc PGS TS Nguyễn Thị Bình nghỉ hưu đột ngột để lại một mảng trống khá
lớn không chỉ cho cho chuyên đề mà bà được phân công giảng dạy mà cho cả nhóm
Văn học Việt Nam sau 1945. “PGS Bình nghỉ, hiện chúng tôi có 6 người, nhưng
thực tế tham gia hoạt động giảng dạy tại khoa chỉ 3 người do 3 người kia hiện
đang đi học hoặc đi làm việc ở nước ngoài. Vì thế chắc chắn chúng tôi phải trằn
ra mà gánh thêm việc trước kia vốn là của PGS Bình. Hiện chúng tôi dạy bình
quân 750 tiết/ năm, như vậy là đã nhiều. Tình hình này có thể sắp tới chúng tôi
phải dạy trên 1.000 tiết/ năm mà như thế thì thực sự quá tải trong khi chúng
tôi cần có thời gian để làm nghiên cứu”, một giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH
Sư phạm Hà Nội cho biết.
Quả là một khó khăn lớn cho những người
ở lại nếu như họ phải “gánh” thêm việc của PGS TS Nguyễn Thị Bình khi mà hiện
nay bà là chuyên gia duy nhất về văn học Việt Nam sau 1975 của khoa Ngữ văn,
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. “Để có thể bắt tay vào dạy một chuyên đề, giảng viên
cần phải có thời gian chuyên tâm nghiên cứu ít nhất 6 tháng. Tôi cho rằng đây
là điều không đơn giản, bởi tất cả chúng tôi cũng đang phải trằn lưng nghiên
cứu những vấn đề trong mảng mà mình phụ trách”, cũng vị giảng viên trên cho
biết.
Như vậy, việc dư luận suy diễn lý do
Đảng uỷ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội “không đồng ý” cho PGS TS Nguyễn Thị Bình kéo
dài thời gian công tác do bà là người hướng dẫn Nhã Thuyên làm luận văn năm
2010 là có cơ sở.
Suy diễn này càng có cơ sở hơn khi mà
ngày 27/3/2014, trên blog của mình, Nhã Thuyên thông báo về việc cô bị Phòng
Sau ĐH của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mời đến để nhận các quyết định các quyết
định thu hồi bằng và hủy luận văn thạc sĩ. “Tôi không đồng ý nhận các quyết
định này vì tôi cho rằng hai quyết định này hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và
minh bạch về các thông tin: như hội đồng chấm, các biên bản nhận xét của hội
đồng, v.v”, Nhã Thuyên viết. Cô đề nghị được cung cấp thông tin về các giấy tờ
và hồ sơ có thể kèm theo như biên bản thành lập hội đồng thẩm định, các nhận
xét của từng thành viên hội đồng, v.v… nhưng không được đáp ứng. Hiện Nhã
Thuyên đang chờ giải thích mới nhất từ Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
liên quan tới các quyết định thu hồi bằng thạc sĩ và thu hồi luận văn của cô.
Thư Hiên
Sau “bí mật” Đảng uỷ
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không đồng ý kéo dài thời gian làm việc với PGS TS
Nguyễn Thị Bình được tiết lộ với truyền thông, trên các trang mạng cũng dấy lên
đồn đoán về việc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành lập một hội đồng
chấm lại luận văn của Nhã Thuyên. Hội đồng này cũng được tổ chức theo một cách
thức bí mật, nghĩa là cho đến nay không một ai được biết thật sự có hay không
một hội đồng như thế, ngay cả Nhã Thuyên – tác giả luận văn, và các thành viên
chấm thẩm định luận văn năm 2010. Cũng theo đồn đoán, trong số các thành viên
của hội đồng chấm lại, không một ai có công trình nghiên cứu về văn học Việt
nam hiện đại, đương đại.
Nhiều nhà nghiên cứu
tên tuổi của Khoa Ngữ Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết họ đặc biệt phẫn nộ
trước hành xử thiếu khoa học trong một môi trường khoa học có uy tín bậc nhất
quốc gia như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. “Chúng tôi liên tục đề nghị được gặp
lãnh đạo nhà trường để bày tỏ sự bất bình trong quan điểm xử lý vụ vụ việc
nhưng họ đều lảng tránh”, một vị cho biết.
No comments:
Post a Comment