Wednesday, March 19, 2014

MAO TRẠCH ĐÔNG CUỘC ĐỜI CHÍNH TRỊ VÀ TÌNH DỤC - PHẦN 4

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 16
Mâu Thuẫn Luận Trong Tư Tưởng Mao Trạch Đông


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - 

Vào mùa hè năm 1962, Mao tái xuất hiện sau một thời gian ngắn im lặng điều nghiên tình hình. Mao nói với tôi rằng ông ta sẽ triệu tập hai hội nghị đảng trong vòng một tháng. Nghe xong tôi biết ngay rằng Mao đang chuẩn bị phản công nhưng không biết Mao nhắm vào đối thủ nào trước.
Hội nghị thứ nhất được triệu tập ở Bắc Ðái Hà vào ngày 6 tháng Tám năm 62. Hội nghị nầy tương đối nhỏ, chỉ bao gồm các lãnh đạo cấp tỉnh và cấp bộ trong chính phủ. Tại đây, Mao đã đọc một diễn văn nẩy lửa với chủ đề "Giai cấp: Tình hình và mâu thuẫn." Mao đã dành hết thời gian mấy tháng trong hậu trường để công thức hóa hệ thống lý luận của y dựa trên căn bản lý thuyết của chủ nghĩa Mác Lê-Nin. Bằng việc đưa đạo đức cộng sản vào lý luận, Mao tin tưởng có thể động viên được quần chúng để chống lại các lãnh tụ đảng mà Mao đang tìm cách loại ra khỏi vòng quyền lực. 


Quan điểm của Mao có thể tóm lược rằng giai cấp sẽ không tự biến mất trong quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngay cả sau khi tập thể hóa mọi tài sản xã hội, giai cấp vẫn còn tồn tại, và vì vậy, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn còn tiếp diễn. Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, mâu thuẫn giữa con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiếp tục, theo Mao, cuộc đấu tranh khốc liệt giữa các giai cấp vẫn không ngừng xảy ra. 



Trong Hội Nghị Khoáng Ðại lần Thứ Mười của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng thì lý luận của Mao lại lần nữa được củng cố vững chắc hơn. Mao phát biểu trong hội nghị nầy "Giai đoạn lịch sử từ cuộc cách mạng vô sản đến chuyên chính vô sản và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa Cộng Sản có thể kéo dài vài chục năm hay thậm chí lâu hơn, trong thời gian đó, cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp vô sản và tư sản, cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai con đường tư bản và vô sản vẫn còn tồn tại." 



Ngay sau khi phát biểu như trên Mao lại nhấn mạnh rằng chính đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay là chỗ trốn an toàn cho bọn tư sản. Các phần tử tư sản đang có mặt ngay trong nội bộ đảng. Hai diễn văn của Mao đầy những lời thóa mạ, hằn học và nhằm vào một đối tượng rộng rãi. Những lời phê bình của Mao tập trung vào hàng loạt kẻ thù như Bành Ðức Hoài, Ðức Lạt Ma Tây Tạng. Bành Ðức Hoài vừa đệ trình lên đảng một lá thư thỉnh nguyện dài để xin phục hồi chính trị, tuyên bố rằng ông không chống lại Công Xã Nhân Dân, và xác nhận ông chưa bao giờ xây dựng một lực lượng chống đảng hay âm mưu với Sô Viết. Thay vì chấp nhận những lời thỉnh cầu của Thống chế Bành Ðức Hoài, Mao lại tố cáo ông ta như một kẻ thù của đảng, kẻ đang âm mưu với tất cả các lực lượng phản động quốc tế để chống lại cách mạng vô sản. 



Mao cũng chĩa mũi dùi vào lãnh đạo Phật Giáo quốc doanh Tây Tạng, đức Lạt Ma Panchen. Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi cuộc nổi dậy giành độc lập của nhân dân Tây Tạng bị thất bại vào 1959, đức Ðại Lạt Ma cùng hàng trăm ngàn tăng sĩ và dân chúng đã vượt Hy Mã Lạp Sơn qua tỵ nạn chính trị tại Ấn Ðộ. Trung Quốc đã dựng nên một lãnh tụ tinh thần mới Lạt Ma Panchen. Tuy nhiên trong thời gian qua chính Lạt Ma Panchen cũng phàn nàn chính sách cực tả của giới lãnh đạo Cộng Sản tại Tây Tạng. Quan điểm của Lạt Ma Panchen được Lý Huệ Hán phụ trách Mặt Trận Ðoàn Kết của đảng ủng hộ. Mao được dịp tấn công cả hai và sau đó Lý Huệ Hán đã bị loại. 



Vương Giá Tường, thủ trưởng của văn phòng phụ trách liên lạc với các đảng Cộng Sản nước ngoài, người đã đề nghị việc cải thiện quan hệ với Liên Sô và các quốc gia Ðông Âu cùng lúc giảm bớt các khoản chi viện cho các đảng Cộng Sản Á Phi Mỹ La Tinh, cũng bị tước bỏ mọi quyền hạn và bị cho cái mũ xét lại. Mao thậm chí cho rằng việc hợp đồng xây dựng nhà cửa ở vùng nông thôn là một tàn dư của chủ nghĩa tư bản nên y đã ra lịnh chấm dứt tức khắc. 



Mùa thu năm 1962 là một bước ngoặt quan trọng đối với lịch sử của đảng CS Trung Quốc và chính bản thân Mao. Việc Mao nhấn mạnh về sự tồn tại của cuộc đấu tranh giai cấp ngay cả trong giai đoạn phát triển của chủ nghĩa xã hội đã làm im lặng mọi chống đối vì sợ chụp cho cái mũ hữu khuynh, tư sản. Tinh thần của Hội Nghị Bảy Ngàn đã hoàn toàn bị đảo ngược. 



Những cuộc thanh trừng tiếp tục mãi đến sau tháng 9 năm 1962. Mao giao phó trọng trách tổ chức hội nghị Ban Chấp Hành lần thứ 10 cho một đồng chí tin cẩn của y là Khang Sinh. Khanh Sinh là một tay chân thân cận của Mao từ những ngày còn ở Diên An. Họ Khang cũng là người đã đứng tên bảo trợ cho Giang Thanh trong đơn gia nhập đảng Cộng Sản, và cũng là người sắp xếp cho bà ta đi Diên An. Giang thanh và Khang Sinh đều sinh trưởng ở Tỉnh Sơn Ðông và quen biết nhau từ lâu trước 1949. 



Tôi gặp Khang Sinh vào năm 1958. Ông ta không tích cực hoạt động nhiều sau 1949 vì bị bệnh phải nằm nhà thương một thời gian khá lâu. Khanh Sinh xuất viện khi chiến dịch Bước Tiến Nhảy Vọt đang bắt đầu và họ Khang trở nên một trong những người ủng hộ chính sách nầy nhiệt tình nhất. Gianh Thanh có một sự kính trọng đặc biệt dành cho Khang Sinh thường gọi y là Lão Khang để bày tỏ sự thân mật và kính trọng. 



Tôi thường tránh né gặp mặt Khang Sinh vì bản mặt y tiết lộ nét xấu xa, độc ác. Họ Khang biểu thị cho mặt trái đen tối của đảng vì những công việc dơ nhớp y đã làm. Hoạt động chính trị của họ Khang được đẩy mạnh sau hội nghị lần thứ mười của ban chấp hành trung ương. Khi Mao tấn công Phó Thủ Tướng Tập Trọng Huân, tố cáo y thuộc phần tử Cao Cương, và đang âm mưu chống lại đảng, y giao cho Khanh Sinh trách nhiệm điều tra. Cuộc điều tra của Khanh Sinh đã làm trên ba trăm cán bộ đảng cao cấp bị thanh trừng, trong đó có cả Bộ trưởng Lao Ðộng Mã Vân Thoại. 



Tôi biết Tập Trọng Huân rất rõ. Những tội trạng gán cho ông ta là hoàn toàn bịa đặt. Nhưng công việc của Khang Sinh là tàn phá đối thủ. Những cuộc điều tra của Khang Sinh đã đặt nền tảng cho Cách Mạng Văn Hóa sắp xảy ra.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 17
Giang Thanh Và Cách Mạng Văn Hóa


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch

Giang Thanh xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên vào ngày 29 tháng Chín năm 1962, trong dịp phu nhân của tổng thống Nam Dương Sukarno viếng thăm Trung Quốc. Lần đầu tiên một tấm hình của phu nhân chủ tịch Mao Trạch Ðông xuất hiện trên tờ Nhân Dân Nhật Báo. Sự xuất hiện của Giang Thanh đã làm dư luận chú ý và đồn đãi. Ðối với nhiều người điều nầy chứng tỏ sự thỏa thuận trong nội bộ đảng trước đây rằng vợ của Mao tuyệt đối không được tham gia chính trị, đã bị vi phạm. 


Giang Thanh đi Thượng Hải để thực hiện công tác đầu tiên trong chức vụ thanh tra văn hóa. Kha Khánh Thi, Bí thư Thượng Hải và là người trung thành Mao triệt để, giới thiệu Gianh Thanh gặp Giang Chung Ðào, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền tại Thượng Hải. Giang Thanh rất bận rộn với chương trình thăm viếng và kiểm tra của bà ta, nào là thăm nhà hát Opera, thăm các đoàn ca múa v.v.. Tới đâu Giang Thanh cũng nói "Tôi chỉ là một người lính trong mặt trận văn hóa, nhận chỉ thị từ Mao chủ tịch để thanh tra mặt trận tư tưởng, tôi sẽ xem xét và báo cáo lên Chủ Tịch." 



Theo Giang Thanh, Những gì đã khám phá, theo bà, là một thế giới băng hoại của chế độ tư bản, còn dẫy đầy những biểu tượng tội ác của quá khứ. Ngày 12 tháng Mười Hai, Mao yêu cầu tôi đọc một trong những báo cáo từ các cuộc điều tra của Giang Thanh về văn hóa Trung Quốc. Mao phê trong báo cáo "Cần xem xét." Mao nói với tôi "Chúng ta đã thiết lập một nền tảng xã hội trong kinh tế nhưng trong thượng tầng kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật, đã chưa được thay đổi nhiều. Những con người đã chết vẫn còn nắm quyền kiểm soát văn chương và nghệ thuật." 



Trong vài tháng sau, Mao chĩa mủi dùi tấn công vào Liên Ðoàn Toàn Quốc Văn Chương và Nghệ Thuật. Mao phê phán, trong suốt mười lăm năm qua, các tổ chức và báo chí dưới quyền kiểm soát của họ đã không thi hành các chính sách của đảng. Họ không phản ảnh cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng đang lại tiến về phía xét lại." 



Không phải là một việc tình cờ khi Mao đưa Giang Thanh tham dự vào các sinh hoạt chính trị trong lúc đời sống chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc đang chuyển sang một thay đổi mới. Chưa đầy một tháng sau khi xuất hiện công khai, Mao gặp người đẹp Trương Ngọc Phượng, người con gái sau nầy đã trở nên người thân cận nhất của Mao. Tôi gặp cô ta lần đầu tiên ở Hồ Nam trong một buổi dạ vũ do viên bí thư tỉnh ủy Hồ Nam tổ chức để khoản đãi. Tất cả các nữ tiếp viên trên xe lửa của Mao đều được mời, dĩ nhiên cả cô Trương Ngọc Phượng. Sau đó, Mao đích thân cầm tay Phượng và dắt cô ta vào chiếc phòng ngủ đặc biệt của y. Trương Ngọc Phượng ở lại với Mao suốt hai ngày, và sau khi xe lửa dừng lại, Mao chỉ thị thuyên chuyển nàng sang làm việc chỗ của y. Thế là Trương Ngọc Phượng, từ một cô phục vụ trên xe lửa đã trở thành một trong những người thân cận nhất của Chủ Tịch Mao Trạch Ðông. 



Mao thường được bao quanh bởi nhiều cô gái một lúc và ông ta cùng không thích ở lại với một cô nào quá lâu. Ngay cả đối với Trương Ngọc Phượng, Mao cũng để nàng ta ở lại trên xe lửa mỗi khi xe lửa dừng lại và xuống thăm viếng các địa phương lân cận một mình. Tại mỗi địa phương, Mao lại được bao quanh bởi nhiều cô gái khác. Trong thời gian ở lại nhà hát Thượng Hải, căn nhà do viên bí thư thành phố Kha Khánh Thi chỉ thị xây dựng riêng cho Mao, Mao lại được tháp tùng bởi hai cô thư ký trẻ mà y thích nhất trong giai đoạn đó. Mùa thu năm 1962, chúng tôi theo chân Mao đi Thượng Hải. Y trú ngụ trong một khu dinh thự nguy nga Kha Khánh Thi sửa sang dành riêng cho Mao và các lãnh tụ cao cấp trung ương. Khu nhà xây theo lối kiến trúc của Nhật, trước đây thuộc quyền sở hữu một nhà kỹ nghệ gia giàu có ở Thượng Hải. Một biệt thự là nơi Mao ở lại, những khu khác là khu ăn chơi, giải trí với một phòng nhảy rộng thênh thang. Mỗi khi thức dậy sau giấc ngủ trưa, Mao thường dành hết thời gian còn lại của buổi chiều đáp xe xuống trung tâm thành phố vui chơi trong câu lạc bộ. Xe của Mao là chiếc ZIS đặc biệt, có khả năng ngăn đạn cho Liên Xô chế tạo. Mao còn lận theo cả những tài liệu cần phải đọc hay phải ký và ở lại đó mãi chơi với các cô thiếu nữ trẻ đẹp tới khuya mới trở về nhà trọ. 



Tôi và hai cô thư ký trẻ thường tháp tùng Mao xuống câu lạc bộ. Giang Thanh cũng có mặt ở Thượng Hải nhưng không hề đi theo Mao. Khi Mao trở lại thì bà ta đã đi ngủ rồi. Thủ tục của hai người cũng khác nhau đến nỗi họ hiếm khi gặp mặt nhau. Những ngày đó thì Giang Thanh biết quá rõ những gì Mao đã làm đối với các cô thanh nữ xinh đẹp kia nhưng cũng không thấy bà ta công khai phàn nàn gì. Tôi tin rằng Mao và Giang Thanh cũng đã âm thầm thỏa thuận nhau là Mao sẽ không ly dị Giang Thanh và Giang Thanh cũng không can thiệp vào chuyện tình ái lăng nhăng của Mao. Mao có đủ lý do để tin là Giang Thanh sẽ giữ lời vì y biết quá rằng không có Mao, Giang Thanh sẽ chẳng là gì cả. 



Không phải Trương Ngọc Phượng ngay từ đầu đã chiếm được lòng tin của Mao. Nhiều năm trước đó nàng đã không được Mao tin tưởng. Theo lời Phượng kể thì cô ta sinh ra ở Tỉnh Hắc Long Giang, thuộc Mãn Châu, cha nàng là một thợ sửa đường rầy xe lửa. Tuy nhiên khu vực nầy đã bị Nhật chiếm từ những năm 1930. Một lần Trương Ngọc Phượng kể với Mao là nàng sinh năm 1944, mẹ nàng là người Trung Quốc nhưng cha nàng là một nha sĩ người Nhật. Mao nghĩ Phượng lai Nhật nên càng lo nàng làm tình báo cho Nhật. Tôi không biết rõ chuyện quá khứ của Phượng nhiều nhưng dù sao trong những năm đầu Mao đã rất ít tin tưởng ở cô gái họ Trương. 



Quan hệ giữa tôi và Trương Ngọc Phượng gặp rắc rối ngay từ những ngày đầu. Có một lần ở Hàng Châu, Mao cho gọi tôi vào phòng ngủ của y. Khi tôi bước vào thì Mao đang nằm trên giường, không mặc áo, chỉ mặc váy. Mao phàn nàn rằng y bị đau ngực. Tôi khám phá ra một vết đỏ bằng hạt gạo phía bên trái ngực. Thấy không có gì quan trọng tôi chỉ băng sơ lại và dặn cả Mao lẫn Trương Ngọc Phượng đừng dụng tới mụt nhọt nhỏ nầy. Nhưng tới tối thì Mao lại cho gọi tôi, lần nầy thì y lên cơn sốt. Tôi khám người Mao thì miếng băng tôi băng hồi chiều đã mất. Mao kể tôi nghe là Trương Ngọc Phượng đã giúp y nặn mụt nhọt. Việc nầy đã làm căn bịnh nhỏ của Mao trở nên trầm trọng. Trương Ngọc Phượng giận tôi vì tôi cho rằng nàng ta đã nặn mụt nhọt và vì vậy quan hệ chúng tôi chưa bao giờ tốt đẹp cả. 



Tháng Năm 1964, ấn bản đầu tiên của tác phẩm "Những trích dẫn từ Mao Chủ Tịch" được xuất bản. Ðó là tác phẩm nhỏ, chỉ để lọt lòng bàn tay, bìa màu đỏ. Thế là chiến dịch tôn thờ Mao Trạch Ðông bắt đầu. Lâm Bưu là người đầu tiên phát động phong trào. Ông ta nêu cao một khẩu hiệu gọi là Tứ Nhất (bốn cái nhất): Yếu tố con người, công tác chính trị, công tác tư tưởng, và ý kiến sống động. Mao thích nịnh bợ, nên trả công những tâng bốc của Lâm Bưu bằng đôi lời khen thưởng "Ý kiến về Bốn Cái Nhất của Lâm Bưu là một sự sáng tạo vĩ đại." Mao chỉ thị cho cả nước học tập về khẩu hiện Bốn Nhất của Lâm Bưu và quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc. Và bất ngờ cả nước lao vào công tác nghiên cứu chính trị, đọc các tác phẩm của Mao và học thuộc lòng những bài viết của Mao. Sự tôn thờ cá nhân Mao lan rộng đến mọi nhà máy, mọi trường học. Không phải ai cũng a dua theo Lâm Bưu để tôn thờ Mao, ít nhất là Ðặng Tiểu Bình và Lục Ðịnh Nhất. Ðặng Tiểu Bình, Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng và Lưu Ðịch Nhất, Giám Ðốc Tuyên Truyền Trung Ương Ðảng, cho rằng tác phẩm của Mao quá đơn giản. 



Vào mùa xuân 1964, Lưu Thiếu Kỳ bị chẩn đoán bịnh lao. Khi được báo cáo Mao chẵng những không tỏ vẻ quan tâm hay ngạc nhiên chút nào. Mao nói với tôi "Chuyện gì mà ai cũng có vẻ hồi hộp quá vậy, nếu ông ta bị bịnh thì để ông ta nghỉ." Nhưng căn bịnh của Lưu Thiếu Kỳ cũng thúc đẩy Mao vào hoạt động. Mặc dù ông ta không thể trực tiếp tấn công đối thủ nhưng cũng có thể làm cho cuộc sống của họ Lưu thêm khốn khổ. Mao chỉ thị cho Bộ Y Tế ngừng cung cấp việc săn sóc sức khỏe cho các lãnh tụ trung ương và đồng thời ra lệnh giải tán Cục Y Tế Trung Ương, được lập ra trước đây để chăm lo cho các lãnh tụ tối cao của Ðảng. 



Quan hệ giữa Mao, Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình ngày càng tệ hại. Tháng Giêng năm 965, Ðặng Tiểu Bình tổ chức một phiên họp để thảo luận về chiến dịch giáo dục xã hội chủ nghĩa. Mục đích của phiên họp là để tìm cách ngăn ngừa tình trạng tham ô hủ hóa trong hàng ngũ đảng viên. Mao không được khỏe nên họ Ðặng không muốn để Mao tham dự, tuy nhiên Mao đã đến. Trong phiên họp nầy, Mao đã đọc một tham luận cho rằng vấn đề của nông thôn là vấn đề của đấu tranh giai cấp. Lưu Thiếu Kỳ chận lại và cãi cọ rằng vấn đề nông thôn không phải là vấn đề của giai cấp mà là vấn đề của trong sạch chống lại không trong sạch. Ngày hôm sau, Mao mang theo cả hiến pháp của nhà nước lẫn điều lệ đảng đến phiên họp và cải lý rằng với tư cách một công dân y có quyền nói lên ý nghĩ của mình và cũng với tư cách một đảng viên y cũng có quyền nói. 



Sau Tết Âm Lịch năm 1965, Mao rời Bắc Kinh đi kinh lý địa phương. Cùng đi với y là hai nữ thư ký và một người cháu gái tên là Hoàng Hải Dung. Trên xe lửa, Mao tiếp tục được Trương Ngọc Phượng săn sóc. Khi xe lửa dừng lại Vũ Hán thì Mao lại bốc thêm vài cô nữa. Một buổi sáng, Hoàng Hải Dung bước vào phòng làm việc và phàn nàn một cách cay đắng với tôi rằng "Trương Ngọc Phượng đã sỉ nhục Mao Chủ Tịch, y thị là một đàn bà mất nết, nóng tính. Ðêm qua, Mao Chủ Tịch nói với tôi là cô họ Trương là ông ta muốn điên lên. Mao Chủ Tịch lớn tuổi không thể để y thị đối xử với ông ta như vậy." Tôi nói "Cái gì cũng từ từ đã." Cô gái Hoàng Hải Dung không chịu, nhất định đi tìm Uông Ðông Hưng. Mao cũng giận thật và chỉ thị họp để kiểm điểm Trương Ngọc Phượng. Trong buổi họp kiểm điểm, Hoàng Hải Dung lần nữa lập lại những lời lẽ Trương Ngọc Phượng đã nói với Mao. Nghe xong Trương Ngọc Phượng đáp rằng "Mao Chủ Tịch chửi tôi trước, chẳng những chửi tôi mà còn lôi mẹ tôi ra chửi, chịu không được tôi phải chửi lại." 



Vào cuối tháng Sáu năm 1965, vài ngày sau khi tôi viết một văn thư kêu gọi các bác sĩ có kinh nghiệm đi xuống nông thôn để tham quan và học hỏi đời sống lao động. Mao gọi tôi vào gặp ông ta "Cuộc đấu tranh giai cấp ở vùng nông thôn đang bùng nổ quyết liệt nhưng mọi người trong Nhóm Một vẫn không làm được việc gì, điều nầy không tốt." Mao chỉ thị Uông Ðông Hưng lãnh đạo một nhóm để tham gia chiến dịch giáo dục trong vùng nông thôn. Thế là Nhóm Một chúng tôi lên đường đi thực tế vào đầu tháng bảy năm đó. 



Tháng 10 năm 1965, trong lúc tôi, Uông Ðông Hưng cùng nhiều người trong Nhóm Một đang công tác ở Quỳnh Sơn thì Mao ra lịnh Uông Ðông Hưng phải trở về trình diện. Họ Uông lẽ ra phải trở lại với đoàn chúng tôi trong vài ngày nhưng vài tuần rồi vài tháng trôi qua vẫn chưa thấy y quay trở lại. Cuối cùng mãi tới tháng Mười Hai mới thấy Uông Ðông Hưng trở lại, nhưng y cũng mang theo những tin quan trọng. Theo Uông Ðông Hưng, hàng loạt lãnh đạo cao cấp như Bành Chân, bí thư đảng bộ Bắc Kinh, La Thoại Hưng Tổng Tham Mưu Trưởng, Dương Thượng Côn, Giám Ðốc Văn Phòng Trung Ương Ðảng và Lục Ðịnh Nhất, Giám Ðốc Cục Tuyên Truyền, sắp sửa bị thanh trừng. Trong lúc đó Mao chỉ thị Uông Ðông Hưng, người đang đảm nhiệm chức vụ Tư Lịnh Cục Vệ Binh Trung Ương, sẽ kiêm nhiệm thêm chức Thứ Trưởng Anh Ninh Công Cộng. Những đổi thay chính trị dồn dập làm ai cũng lo ngại. Ngay cả Uông Ðông Hưng dù được thăng quan tiến chức cũng chưa hết lo âu. Thay vì ở lại Bắc Kinh, họ Uông lại trở lại khu công tác để lánh mặt, đợi chờ sóng gió trong chính trường trôi qua. 



Ngày 1 tháng giêng Dương lịch 1966, chúng tôi tổ chức mừng năm mới trong làng nhỏ nơi chúng tôi đang công tác. Dân làng tỏ vẻ thờ ơ vì họ không quan tâm đến ngày Tết Tây nầy. Bất ngờ ngay hôm đó, tôi được lịnh đi lên tỉnh Quảng Tây để trình diện Mao, ông ta đang bị bịnh và dừng lại đó. Tôi và Uông Ðông Hưng đến nhà khách nơi Mao ở lại. Sau một thời gian vắng bóng, Nhóm Một đã thêm nhiều nhiều khuôn mặt mới. Châu Phú Minh, người phục dịch Mao kể lại với tôi rằng sau khi Mao tổ chức mừng sinh nhật thứ bảy mươi hai của y vào hôm 26 tháng Mười Hai, trong dịp nầy Mao có uống một chút rượu vang. Sau tiệc sinh nhật, Mao cùng với các cô gái đi bộ một vòng dọc bờ sông, trời nóng nên Mao cởi áo. Cũng trong buổi chiều hôm đó, Mao và Trương Ngọc Phượng lại cãi lộn với nhau. Cũng theo lời của Châu Phú Minh thì Trương Ngọc Phượng có tư tình với một người khác trong bộ tham mưu của Mao chẳng may bị Mao bắt được. Mao đã nhất định chiếm và giữ trọn đời con gái của Phượng nên bắt Phương phải quì trước mặt y mà xin lỗi. Chàng thanh niên bất hạnh nào đó trong bộ tham mưu đã bị trục xuất và lưu đày đi Nam Ninh. Nhưng không phải vì thế mà tình hình yên ổn, hai người lại có chuyện với nhau. Sau buổi chiều cãi lộn với Trương Ngọc Phượng, Mao lâm bịnh. 



Khi tôi bước vào thì Mao đang lên cơn sốt và ho. Ông ta đồng ý tôi chích một mũi thuốc trụ sinh chống sốt. Sáng ngày hôm sau Uông Ðông Hưng, bà y tá trưởng họ Vũ cùng tôi đến thăm Mao. Bịnh tình của y đã thuyên giảm nhiều mặc dù vẫn còn ho chút ít. Mao chỉ thị tôi ở lại còn Uông Ðông Hưng thì phải trở về làng. Họ Uông vừa đi vừa tức. Mao chỉ thị cho cả nhóm chúng tôi đi tham gia chiến dịch giáo dục xã hội chủ nghĩa lâu nay nhưng y chưa hề hỏi một câu về chuyện chúng tôi đang làm. 



Mao bây giờ đã khác hơn xưa, đàn ông hiếm khi được gặp mặt y. Chung quanh Mao toàn là con gái. Ngay cả Vũ Phú Minh là người phục dịch cá nhân cho Mao cũng ít khi tiếp xúc với Mao, y chỉ nhận cơm nước từ nhà bếp rồi chuyển cho các nàng mang lên phòng Mao. Biết vậy nên tôi cũng chẳng thấy cần phải gần gũi thường xuyên với Mao làm gì. Sau khi bịnh bắt đầu thuyên giảm, Mao lại uống thuốc ngủ. Mao dùng quá nhiều thuốc ngủ trong nhiều năm nên liều lượng lên rất cao. Liều thuốc Mao uống để tìm giấc ngủ có thể giết chết một người bình thường. Với tư cách một bác sĩ riêng cho Mao tôi là người chịu trách nhiệm cho sức khỏe của y. Nếu chẳng may y chết vì uống thuốc ngủ quá độ thì tôi cũng là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Do đó tôi phải ngăn ngừa. 



Tôi đến gặp Mao trong lúc ông ta đang đọc cuốn sử đời nhà Hán. Mao đọc sử nhiều hơn là đọc sách Marx. Thấy tôi bước vào, Mao buột miệng khen "Lần nầy hình như Bác sĩ có mánh khoé gì hay, tôi có vẻ lành bịnh hẳn rồi." Tôi bàn với ông ta về việc xử dụng thuốc ngủ quá mức "Thưa Chủ Tịch, số lượng thuốc ngủ Chủ Tịch đang xài nhiều gấp mười lần hơn số lượng bình thường và có lẽ tôi phải điều chỉnh lại liều lượng thuốc ngay." Mao nói sang chuyện khác "Hình như nhà khách nầy có cái gì lạ rất độc hại. Bác Sĩ đi gọi Dương Ðắc Chí chuẩn bị đi ngay. Chúng ta đi Vũ Hán." 



Chúng tôi lên đường đi Vũ Hán ngay trong đêm đó. Tình hình chính trị ngày càng khác, Uông Ðông Hưng thì luôn tìm tò muốn biết còn Dương Ðắc Chí thì lại muốn tránh xa. Họ Dương ngay cả không muốn nghe tôi nói về bịnh tình của Mao vì y nghĩ rằng biết cũng không tốt vì nếu có chuyện gì xảy ra y cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Sau khi Mao lành bịnh tôi xin trở lại khu lao động giáo dục nhưng Mao từ chối "Chính sách Bốn Sạch chẳng còn quan trọng nữa, điều quan trọng hơn đang sắp sửa xảy ra."

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 18 
Thống Chế Lâm Bưu, Binh Nghiệp Và Cá Tính


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org




Trong thời gian chúng tôi còn ở lại Vũ Hán vào đầu tháng Giêng năm 1966, Mao cho phép tôi tham dự một buổi họp được tổ chức trong phòng tiếp tân khổng lồ được tại nhà khách Võ Hán Mai của tỉnh Vũ Hán. Lúc sau nầy, Mao thường khuyến khích các nhân viên trong bộ tham mưu của ông tham gia những buổi họp như vậy để nắm rõ thêm tình hình. Ba người trong "Nhóm Năm Người của Cách Mạng Văn Hóa" vừa từ Bắc Kinh đến. Ủy Ban nầy được thành lập với trách nhiệm phê bình vở kịch "Hải Thoại bị giải chức". Vở kịch viết về sự tích Minh Hoàng Ðế giải nhiệm viên quan Hải Thoại. Các ủy viên của Ủy ban bao gồm Trưởng Ban Tuyên Huấn trung ương Lục Ðịnh Nhất, Ủy Viên Bộ Chính Trị Khang Sinh, Thị Trưởng Bắc Kinh kiêm Bí Thư Trung Ương Ðảng Bành Chân, Phụ tá Trưởng Ban Tuyên Huấn Châu Dương, và Tổng Biên Tập Nhân Dân Nhật Báo Ngô Lãng Tây. Mao chủ tọa phiên họp. Mao kể lại rằng vào 21 tháng Chạp, y có nói với Trần Bá Ðạt và Khang Sinh rằng bài báo của Thiệu Văn Nguyên phê bình vở kịch "Hải Thoại bị giải chức" khá hay nhưng vẫn có một điều thiếu sót về sự liên hệ giữa việc Minh Hoàng Ðế giải nhiệm Hải Thoại và Mao giải nhiệm Bành Ðức Hoài. Mao cho rằng kịch tác gia Ngô Hàm khi xây dựng vở kịch đã có dụng ý biện hộ cho Bành Ðức Hoài và phê bình Mao. 



Sau đó, Mao quay sang hỏi Bành Chân, người lãnh đạo của ủy ban, "Liệu Ngô Hàm có phải đang chống lại đảng, chống lại xã hội chủ nghĩa không ?" Trước khi Bành Chân trả lời, Khang Sinh đã cắt ngang "Ngô Hàm là mầm mống độc hại đang chống lại đảng". Thế là cả phiên họp im phăng phắc không ai dám cải lời y. 



Cuối cùng Bành Chân phát biểu đại ý rằng câu chuyện Minh Hoàng Ðế giải nhiệm Hải Thoại chỉ là chuyện trong trường học chứ chẳng dính dáng gì đến chính trị cả. Bành Chân ngỏ ý muốn trình bày quan điểm của y được tóm tắt trong bản dự thảo "Của Nhóm Năm Người Báo Cáo Trung Ương", ông ta phát biểu rằng "Tôi nghĩ chúng ta nên chấp hành chỉ thị của Mao chủ tịch, hãy để trăm hoa đua nở, trăm trường phái lên tiếng." Bản dự thảo, theo Bành Chân, đã được Bộ Chính Trị chấp thuận, chỉ còn chờ sự đánh giá và chấp thuận cuối cùng của Mao. Nhưng Mao không nói rõ là chấp thuận hay không, chỉ nói lững lờ "Các đồng chí làm cho xong, tôi không cần thiết phải xem tài liệu đó". Ðiều nầy cũng có nghĩa là Mao không đồng ý. 



Bốn ngày sau, bản dự thảo về tài liệu phê bình vở kịch "Hải Thoại bi giải chức" được phân phối trong hàng ngũ cao cấp của đảng. Quan điểm trong tài liệu hoàn toàn là của Bành Chân và người ủng hộ ông ta là Lục Ðịnh Nhất. Mao chống đối, ông ta đồng ý với Khanh Sinh rằng vở kịch là mầm mống độc hại và tác giả Ngô Hàm thật sự là kẻ chống đảng. Trong thời gian tài liệu được phân phối, Mao nói với tôi "Các phần tử phản động không ngã gục dễ dàng trừ phi chúng ta phải đánh chúng thật mạnh." Và, như Mao nói, ông ta đang sẵn sàng đánh gục đối thủ. Bành Chân cũng sắp sửa bị thanh trừng. 



Bản đánh giá của Bành Chân đã làm Mao khó chịu và căng thẳng. Bịnh mất ngủ nặng nề thêm. Nhiều hôm tôi thấy Mao thức trắng suốt ngày đêm. Thuốc ngủ cũng chẳng hiệu lực gì cả. Cuối cùng tôi buột phải tăng liều lượng thuốc ngủ cao hơn Mao mới ngủ được. Một hôm, Trương Ngọc Phượng báo với tôi rằng Mao chủ tịch vừa cho cô ta biết hình như đêm hôm qua có ai rình mò trên nóc nhà. Nghe xong tôi tôi gần như muốn bật cười. Chuyện đó chẳng khác gì chuyện hoang đường. Chỗ ở của Mao Trạch Ðông là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên các cận vệ của Mao đã khám phá ra vài dấu chân, nhưng không phải của người ta mà là của con mèo hoang. Sau khi đặt mồi đặt bẫy, đám cận vệ cuối cùng đã bắt được hai chú mèo hoang. Ngay cả sau khi thấy hai chú mèo bị bẫy chết trước mắt, Mao vẫn chưa hết lo, ông ta vẫn cứ cho rằng có người đã rình mò trên nóc dinh. Chỉ vài giờ sau khi bắt hai chú mèo hoang, chúng tôi lại tháp tùng Mao lên đường đi Hàn Châu. Ngay sau khi chúng tôi đến thì vợ Lâm Bưu là Diệp Quần, từ Tô Châu gọi điện thoại và xin phép yết kiến Mao ngay. Tình hình chính trị đã bắt đầu căng thẳng. Sáng hôm sau thì Diệp Quần đến và họp kín với Mao suốt ba tiếng đồng hồ. Cả hai đều không tiết lộ những gì họ đã bàn với nhau. 



Ngày hôm sau thì Giang Thanh đến. Thái độ và dáng dấp của bà ta hoàn toàn thay đổi. Từ một con bịnh kinh niên vào năm 1962, Giang Thanh đã đi đứng mạnh dạn, lưng thẳng, chẳng có một dấu hiệu gì chứng tỏ là bà ta bị bịnh. Bà ta gặp Mao vắn tắt và bay trở về Thượng Hải ngay. 



Vài ngày sau thì tôi biết Giang Thanh và Lâm Bưu đang thành lập một liên minh. Cả hai đã triệu tập một phiên họp ở Thượng Hải để bàn về mục tiêu chính trị của các lực lượng vũ trang. 



Tôi chưa hề tiếp xúc với Lâm Bưu trước đó. Mặc dù Lâm Bưu giữ nhiều chức vụ cao cấp trong đảng và quân đội nhưng y lại ít khi xuất hiện, ngay cả trong những ngày lễ lớn ở Thiên An Môn. Lâm Bưu là một trong mười thống chế của quân đội Trung Quốc và nổi tiếng là một nhà lãnh đạo quân sự thông minh, gan dạ. Ngay cả trước khi gặp ông ta, tôi đã có nhiều phán phục dành cho viên Thống Chế tài ba lỗi lạc nầy. 



Một ngày sau khi Mao và đoàn tùy tùng đến Thượng Hải, Lâm Bưu xuất hiện. Ðiều chạm vào mắt tôi về con người đặt biệt nầy là quân phục của y đang mặc. Bộ quân phục Lâm Bưu mặc bó sát người, chật đến nỗi giống như dán keo lên người ông ta. Lâm Bưu là một con người mảnh khảnh. Sau khi bước vào phòng, Lâm Bưu cởi áo choàng ra nhưng lại không lấy mũ xuống, dường như để che cái đầu sói của y. Thống Chế họ Lâm chỉ gật nhẹ chào tôi nhưng không nói một lời. 



Lâm Bưu và Giang Thanh họp kín suốt ba tiếng đồng hồ. Trong khi ngồi chờ ở phòng ngoài, tôi có dịp tiếp chuyện với viên thư ký của Lâm Bưu và biết thêm vài chi tiết về đời tư của thống chế họ Lâm nầy. Lâm Bưu, mặc dù ở ngoài có tiếng như một lãnh tụ quân sự tài ba đảm lược, thật sự lại đang mắt bịnh thần kinh ưu uất. Họ Lâm rất sợ ánh sáng và gió nên rất ít khi đi ra ngoài. Giống như Giang Thanh, những tham vọng chính trị đã làm cho căn bịnh được tạm thời lắng xuống nhưng không có nghĩa là biến mất. 



Tôi khám phá ra thêm nhiều điều vào tháng 8 năm 1966 khi Uông Ðông Hưng yêu cầu tôi đến khám bịnh cho Lâm Bưu. Vị trí chính trị của Lâm Bưu đang trong thời kỳ cực thịnh nên cả Uông Ðông Hưng cũng muốn đồng minh với Lâm Bưu. Thế là tôi và Uông Ðông Hưng đến viếng thăm thư dinh của Thống chế họ Lâm. 



Khi chúng tôi bước vào phòng thì Lâm Bưu đang nằm trên giường với Diệp Quần, vợ của y. Ðầu của y cuộn tròn trong tay vợ, áp mặt vào ngực bà ta. Lâm Bưu đang khóc thút thít còn Diệp Quần thì đang cố vỗ về, dỗ dành y giống như mẹ ru con. Trong đầu tôi hình ảnh của một Lâm Bưu khét tiếng đã biến mất. Thống Chế Lâm Bưu đúng là chẳng ra thống chế gì cả. Tôi nghĩ một con người với tính tình ưu uất như vậy không thể nào có thể đảm đương trách nhiệm của một lãnh tụ quốc gia được. 



Các bác sĩ, sau khi xem xét, đã khám phá ra là y bị bịnh sạn thận. Một hồi lâu sau khi được hút nước tiểu ra và uống thuốc, Lâm Bưu bớt đau nên đã trở nên tỉnh táo hơn. Tuy nhiên sự kính trọng của tôi về viên thống chế nầy cũng đã không còn như trước nữa. Bịnh sạn thật công nhận là rất đau nhưng dù sao mình cũng là thống chế coi quản toàn quân, lẽ nào lại vùi mặt khóc thút thít trong ngực vợ như một đứa trẻ con như thế. 



Trong khi chúng tôi chờ xem diễn tiến phục hồi của căn bịnh, Diệp Quần kể chúng tôi nghe chuyện Lâm Bưu còn bị thêm bị bịnh ghiền áp phiện và sau đó ghiền cả ma túy. Năm 1949 Lâm Bưu được gởi sang Liên Xô để cai thuốc. Bịnh ghiền tuy được cai khỏi nhưng cũng cá tính kỳ quái của y vẫn tiếp tục như xưa. Lâm Bưu sợ gió, sợ ánh sáng nhưng sợ nhất là sợ nước. Y sợ nước đến nỗi chỉ nghe tiếng nước chảy thôi cũng đủ làm cho y bị ỉa chảy trong quần tức khắc. Lâm Bưu không hề uống nước. Vợ y sợ y thiếu chất nước trong người nên nhúng bánh xốp nhỏ vào trong nước rồi đút cho Thống Chế nhà ta ăn. Lâm Bưu cũng chưa hề xử dụng cầu tiêu để đi đại tiện. Khi cần phải đi đại tiện, viên thống chế họ Lâm nổi tiếng nầy che mền và đi cầu ngay trong phòng ngủ. 



Tôi hết sức ngạc nhiên khi biết những chuyện riêng tư về Lâm Bưu. Tôi cũng không hiểu tại sao Mao Trạch Ðông lại đi phong một tên khủng hoảng tâm thần nặng như vậy lên hàng lãnh đạo cao cấp nhất nhì trong đảng và quân đội. Mai mốt đây, Lâm Bưu sẽ được tung hô như là "Đồng chí thân cận nhất của Mao Chủ Tịch" và sẽ là người lãnh đạo tối cao của mấy trăm triệu dân Trung Quốc. Sau khi từ tư dinh của Lâm Bưu trở về, tôi báo cáo lại Mao những gì tôi đã biết nhưng Mao nghe mà chẳng bình luận gì. Tôi chưa hề nói với bất cứ một ai khác, kể cả những lãnh đạo trung ương đảng. Tại Trung Quốc, việc tiết lộ những tin tức như vậy cũng là một trọng tội chính trị. 



Mao đến Thượng Hải vào ngày 15 tháng Ba để triệu tập một hội nghị Bộ Chính Trị mở rộng để bàn về chuyện văn hóa. Trong phiên họp nầy Mao nêu đích danh bốn đảng viên cần được phê bình trong đó có Ngô Hàm, tác giả của vở kịch "Hải Thoại bị giải chức". Theo Mao, những người nầy là đảng viên Cộng Sản trên giấy tờ nhưng là đảng viên Quốc Dân Ðảng trong tư tưởng. Mao đề nghị một cuộc "Cách mạng văn hóa" trong văn học, lịch sử, luật pháp và kinh tế. Tôi thú thiệt quả là rất thật thà khi hy vọng rằng cuộc cánh mạng văn hóa chỉ giới hạn về văn hóa mà thôi. 



Vào cuối tháng Ba năm 1966, vài ngày sau khi phiên họp Bộ Chính Trị mở rộng và chúng tôi còn ở Thượng Hải, Mao tiếp xúc nhiều lần với Giang Thanh, Khanh Sinh, và Trương Xuân Kiều. Mao đang thực hiện một kế hoạch tấn công với hai mũi dùi. Một mặt tấn công vào các phần tử trí thức tư sản và mặt khác tấn công vào kẻ thù của cá nhân Mao. Chưa bao giờ trước đó Mao mở một chiến dịch rộng lớn nhằm chống lại các lãnh đạo trung ương như vậy. 



Tháng sau, Mao triệu tập một phiên họp Bộ Chính Trị khác, lần nào Mao chính thức phê bình Bí Thư Ðảng Bộ Bắc Kinh Bành Chân. Trước đây Mao từ chối việc duyệt y bản báo cáo của Bành Chân là một hành động chẳng khác nào để Bành Chân tự đào mộ cho mình, nay Mao lần nữa gán cho Bành Chân cái mũ khác là chống lại đảng. Mao chỉ thị giải tán Ủy Ban Văn Hóa do Bành Chân lãnh đạo. Bầu không khí trong phiên họp trở nên vô cùng căng thẳng. 



Ủy Ban Thường Trực Bộ Chính Trị được triệu tập lần nữa vào 24 tháng 4 năm 1966. Kết quả của phiên họp là sự ra đời của Tiểu Ban Cách Mạng Văn Hóa đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy Ban Thường Trực Bộ Chính Trị. Thành viên của tiểu ban nầy là những tên cực tả, bao gồm Trưởng Ban Trần Bá Ðạt, Cố Vấn Khang Sinh, Phó Giám Ðốc Giang Thanh, Phó Giám Ðốc Trương Xuân Kiều và nhiều thành viên tả khuynh khác. 



Việc Giang Thanh tham gia ủy ban làm tôi hết sức lo ngại. Mao cũng biết điều nầy nên khuyên tôi nên làm hòa với bà ta giống như cháu của Mao là Mao Viễn Tân đã làm trước đây. Mao Viễn Tân nguyên là một sinh viên của trường đại học quân sự ở miền cực bắc Trung Quốc. Từ khi viết thư xin lỗi Giang Thanh, quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn. Giang Thanh bổ nhiệm Mao Viễn Tân làm phụ tá cho bà ta và là tiên phong trong các chiến dịch chống lại các đối thủ trong cách mạng văn hóa. Mao Viễn Tân thăng quan tiến chức vùn vụt, chỉ trong vòng sáu năm y trở thành chính ủy của quân khu Sầm Giang, một khu vực gần biên giới Mãn Châu.



Trong thời gian ở Hàng Châu, Mao rất là cao hứng. Chính quyền địa phương tổ chức dạ vũ hàng đêm dành cho Mao. Khoảng giữa tháng 6, Mao muốn về thăm quê lần nữa. Hôm 18 tháng 6, chúng tôi tháp tùng Mao trở lại quê hương là Thiều Sơn của y. Trong lần viếng thăm lần trước vào tháng 6 năm 1959, Mao có nói với Ðào Trú, hiện đang là bí thư Cục Trung Nam, rằng y muốn một ngày sau khi hồi hưu y sẽ trở về quê hương Thiều Sơn và sống trong túp lều tranh. Ðào Trú đã đáp ứng bằng cách xây cho Mao không phải mái nhà tranh mộc mạc nhưng là một biệt thự nguy nga tráng lệ. 



Biệt thự nằn trên lưng chừng đồi, được bao bọc chung quanh bởi những khu rừng kín đáo và những ruộng nho. Mao rất rành khu vực vì hồi nhỏ ông ta thường đi nhặt củi trong những khu rừng lân cận, và thường hay ngủ trưa trên những ngọn đồi. 



Bắc Kinh dường như quá xa xôi. Hai ba ngày mới có một tùy phái tin cẩn giao cho Mao các tin tức về cách mạng văn hóa đang tiến hành ở thủ đô. Qua trung gian của người tùy phái tôi biết Bắc Kinh đang rơi vào hỗn loạn. Trường học bị đóng cửa, học sinh tràn ra đường phố. Không một ai có vẻ đang nắm quyền kiểm soát thủ đô. 



Tôi biết ít tin về ông thủ trưởng cũ của tôi, bác sĩ Phú Liễu Sanh. Bác Sĩ họ Phu mặc dù là bạn cố tri của Mao và đã thật sự hồi hưu nhưng cũng không tránh khỏi họa. Ðám phản loạn cách mạng văn hóa đã tới tận nhà bắt ông. Bác Sĩ Phu đã cố gởi Mao một lá thư cầu cứu, Mao nhận được và có ý định can gián nhưng đã quá trễ. Bác sĩ đã chết trong đấu tố chống ông ta và ngay cả thi hài của ông cũng không tìm thấy. 



Thời tiết ở quê Thiều Sơn của Mao thật oi bức, Mao đổi ý và chỉ thị đoàn tùy tùng đi Vũ Hán. Ở Vũ Hán, chúng tôi nhận tin tức Bắc Kinh nhiều hơn và dể dàng hơn. Tôi nhận được lá thư đầu từ vợ tôi, mới biết rằng hơn một năm nay tôi chưa về nhà. Mao thật sự vui mừng khi được báo cáo về diễn tiến của Cách Mạng Văn Hóa. Trong một lá thư gởi cho Giang Thanh, Mao viết " Mỗi ngày tôi đọc tài liệu với niềm hân hoan và thích thú. Sự hỗn loạn lớn sẽ dẫn đến trật tự lớn." Mao cũng nhắc nhở Giang Thanh " Ðừng say sưa với chiến thắng, hãy nghĩ thường xuyên đến những thất bại, lỗi lầm. Tôi đã dặn bà không biết bao nhiêu lần." Giang Thanh mừng như mở cờ trong bụng khi đọc những dòng nầy đến nỗi bà ta in ra và phân phối cho mọi người trong ban tham mưu cùng đọc. Dù trong thư có nhiều điều phê bình bà ta nhưng dù sao nó đã chứng tỏ rằng Mao đã chia xẻ với bà những suy nghĩ thầm kín nhất. Khi những bản sao của lá thư vừa mới được phân phối cho đám thân cận của Giang Thanh thì Mao biết được và ra lịnh thu hồi tức khắc. Tôi sao lá thư để lưu trữ trước khi trả lại cho văn phòng chính phủ.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 19 
Vệ Binh Đỏ Trong Cách Mạng Văn Hóa


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org




Khoảng đầu tháng 7, Mao ban chỉ thị cho tôi "Tình hình tại Bắc Kinh hiện nay rất sống động. Chúng ta không thể dựa vào tin tức mà thôi mà phải tận mắt thấy những đổi thay. Bác sĩ chuẩn bị lên đường trở lại Bắc Kinh vào ngày mai để điều tra tình hình." Tình trạng tại Bắc Kinh, tuy nhiên, lại quá sức phức tạp. Cả Bộ Chính Trị lẫn Ban Bí Thư đều không đủ sức kiểm soát tình hình. Ngay cả các phụ tá thân cận của Mao cũng bị tấn công làm sao tôi có thể biết ai tốt ai xấu trong hoàn cảnh nầy. Vì vậy, trước khi đi, tôi hỏi Mao "Ai là người tôi có thể tiếp xúc khi trở lại Bắc Kinh ?" Mao dặn tôi tiếp xúc Ðào Trú, nhân vật Mao vừa cử vào chức vụ Cố Vấn cho Tiểu Ban Cách Mạng Văn Hóa. Tôi hơi do dự nhưng vì đây là chỉ thị trực tiếp của Mao nên tôi cũng thấy an toàn. Mấy ngày trước Mao có nói với tôi "Nhiều nghìn người sẽ chết lần nầy, mọi thứ đều đang đảo lộn. Tôi thích đại loạn mà." 



Trong thời gian tôi vừa trở lại Bắc Kinh thì ngày 16 tháng 1966 Mao tổ chức mừng chiến thắng bằng cách bơi trên sông Trường Giang. Vì cùng bơi với Mao nhiều lần tôi chẳng lưu tâm lắm đến việc nầy nhưng đối người ngoài thì đây là biến cố lạ lùng. Làm thế nào mà một ông già 73 tuổi có thể bơi nhanh hơn cả vô địch thế vận hội được nhỉ. Tôi biết rất rõ khúc sông ở Vũ Hán. Mao chỉ cần nằm đưa cái bụng phệ như chiếc bong bóng bự của y lên mặc cho nước đưa đi, thế thôi. Nhưng đây là một dấu hiệu cho thấy Mao đang chuẩn bị lâm chiến. Ðúng vậy, hai ngày sau, Mao ra lịnh cho đoàn tùy tùng trở về Bắc Kinh. Cuộc cách mạng văn hóa, vì thế, sẽ do chính tay Mao điều động. 



Trở lại nhà hẳn nhiên là một niềm vui. Lần đầu sau hơn một năm tôi mới được ăn một bữa cơm tối với vợ và hai con. Nhưng sau khi hai đứa con đi ngủ, vợ tôi mới báo cho tôi một tin kinh hoàng: Ðiền Gia Anh, người bạn thân và cũng là một trong những bí thư của Mao trước đây đã tự tử. Ðiền Gia Anh và Giang Thanh chưa bao giờ hợp tính với nhau, cộng thêm tên cơ hội chủ nghĩa Trần Bá Ðạt, người đã từng có lập trường đối nghịch với Ðiền Gia Anh về chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt. Mặc dù sau nầy nhiều bạn bè của tôi cũng tự tử nhưng Ðiền Gia Anh là người đầu tiên. 



Chỉ vài ngày sau khi chiến dịch gọi là Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Ðại chính thức ra đời, Uông Ðông Hưng gởi một nhóm nhân viên dưới quyền tới gặp Ðiền Gia Anh để tiếp thu tài liệu. Ðiền Gia Anh biết ngay rằng mình sắp sửa bị thanh trừng. Việc tiếp thu tài liệu từ tay một nhân viên cao cấp như vậy hẳn là quan trọng. Mệnh lệnh phải được phát ra từ, thấp nhất, phải là Thủ Tướng Chu Ân Lai hay từ chính Mao Trạch Ðông. Sau khi bàn giao tài liệu, đêm hôm đó Ðiền Gia Anh treo cổ tự tử. 



Vợ tôi quá lo lắng cho tôi nhưng tôi hứa với bà là tôi sẽ không bao giờ tự sát mặc dù tôi biết tôi có thể bị tấn công. Vợ tôi có lý khi cho rằng sở dĩ Mao ra lịnh tôi trở lại Bắc Kinh trước là để thử nghiệm lòng trung thành của tôi. Tôi nói với Uông Ðông Hưng rằng Mao sai tôi về gặp Ðào Trú để đánh giá diễn tiến của Cách Mạng Văn Hóa. Uông Ðông Hưng đề nghị tôi cùng đi phi trường đón Ðào Trú. Khi gặp Ðào Trú và nghe tôi báo cáo, Ðào Trú trả lời là không có gì trở ngại cả. Y đề nghị tôi đi thăm một số cơ quan như Trường Ðại Học Y Khoa Bắc Kinh chẳng hạn. 



Ðại học Y Khoa Bắc Kinh đang trong tình trạng hỗn loạn. Cùng đi với tôi là Bộ Trưởng Bộ Y Tế Tiền Tính Trung. Sinh viên đang bãi khóa. Những khẩu hiệu lớn chống thầy cô giăng kín chung quanh trường. Tôi ngạc nhiên khi đọc một bích chương lớn chống cả đương kim Bộ Trưởng Bộ Y Tế Tiền Tính Trung trong lúc ông ta đang đến kiểm tra trường. Khẩu hiệu chống Tiền Tính Trung viết rằng ông ta là "tàn dư Quốc Dân Ðảng." Họ Tiền đúng là gốc Quốc Dân Ðảng nhưng đã theo Cộng Sản từ những năm 1934 sau mặt trận An Huy. Nghĩ lại lý lịch của chính tôi mà không khỏi lạnh mình. Chẳng những tôi vào đảng quá trễ, sau khi Trung Quốc được giải phóng, mà cha tôi lại là một viên chức cao cấp của chính phủ Quốc Dân Ðảng. 



Sinh viên tập trung trong giảng đường chờ Tiền Tính Trung đến. Sinh viên bắt đầu hỏi viên bộ trưởng Y tế tới tấp, nào là bộ y tế chỉ lo săn sóc cho các "quan" và bỏ quên sức khỏe của quần chúng. Tôi cảm thấy thật khốn khổ. Bản thân tôi rất thán phục và kính trọng Tiền Tính Trung. Tôi rời phiên họp trong kinh hoàng và tự hứa sẽ không bao giờ tham dự những cảnh như thế nầy nữa. 



Số phân của Ðào Trú cũng chấm dứt một cách nhanh chóng. Y bị thanh trừng vào tháng Mười vì y quá độc lập với Giang Thanh và cũng vì y ủng hộ các lãnh tụ khác như bí thư Hồ Bắc Vương Nhậm Trong, người nằm trong danh sách bị thanh trừng. 



Trở lại Bắc Kinh cũng có nghĩa là Mao đã chấm dứt thời kỳ nghỉ ngơi và chuẩn bị tái xuất hiện trước công chúng. Ngày 29 tháng Bảy năm 1966, Mao triệu tập một phiên họp ở Nhân Dân Ðại Sảnh. Tại nơi nầy cả chục ngàn sinh viên học sinh đến để nghe Mao chính thức giải tán các đội lao động. Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình đến dự nhưng Mao lại không tham dự. Mao không muốn có liên hệ gì với hai nhân vật đó trong lúc nầy. Mãi gần đến khi khai mạc thì Mao mới đến nhưng lại ngồi khuất phía sau bức màn. Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình lần lượt lên diễn đàn để chấp nhận những sai lầm về chính sách. Cả hai đều đổ lỗi cho việc thiếu kinh nghiệm mà ra. Lưu Thiếu Kỳ, cũng giống như Mao trong năm 1962, cho rằng đó là vấn đề "những nhà cách mạng cũ đương đầu với những vấn đề mới." Mao nghe câu nói nầy liền bật miệng "Cái gì là cách mạng cũ, phản cách mạng thì có." 



Tôi lặng người đi sau khi nghe Mao nói. Thì ra mục tiêu tối hậu của cách mạng văn hóa là nhằm hạ bệ Lưu Thiếu Kỳ và Ðặng Tiểu Bình. Chu Ân Lai, đăng đàn sau hai họ Lưu và Ðặng, phát họa mục tiêu của Cách Mạng Văn Hóa. Mao đang sắp sửa trở về phòng 118 của ông ta nhưng bỗng dưng lại đổi ý và nói với tôi "Chúng ta phải ủng hộ quần chúng cách mạng." Khi Chu Ân Lai nói vừa xong, bức màn sau lưng được kéo lên một phần và bất ngờ như ảo thuật chủ tịch Mao Trạch Ðông xuất hiện. Ðám đông mừng như điên lên, tiếng tung hô sấm sét "Mao Chủ Tịch Muôn Năm, Mao Chủ Tịch Muôn Năm" vang lên. Mao mỉm cười vẫy tay chào đám đông vừa đi tới đi lui trên sân khấu nhưng không nói một lời. Trong tiếng tung hô man dại của sinh viên học sinh Mao chầm chậm rời sân khấu, Chu Ân Lai lủi thủi theo sau như một con chó trung thành. Mao chẳng thèm nhìn mặt Chủ Tịch Nước Lưu Thiếu Kỳ hay Tổng Bí Thư Ðặng Tiểu Bình. 



Ba ngày sau Mao viết một lá thư đến sinh viên học sinh, nói rằng "nổi loạn là đúng". Dòng chữ của Mao chẳng khác gì mệnh lệnh, được in lại và phân phối khắp Trung Quốc. Vệ Binh Ðỏ bắt đầu tràn ngập khắp trường học, từ trung học cấp một cho đến đại học trong cả nước. Mao cũng đích thân viết biểu ngữ "Tấn công các trụ sở". Mao viện dẫn rằng nếu không làm như vậy thì trong khoảng 50 ngày, một số "đồng chí" có lập trường tư sản sẽ cố gắng phản công và tàn phá thành quả của Cách Mạng Văn Hóa. Với sự đồng ý của Mao, hồng vệ binh càn quét mọi cơ quan nhà nước. 



Bất chấp mọi thủ tục đảng, ngày 10 tháng 8 năm 1966, Mao đón tiếp "quần chúng" tại cổng phía tây của Trung Nam Hải và sau đó đứng trên khán đài Thiên An Môn để chào mừng nhiều triệu hồng vệ binh. Cả thảy 8 lần trong mùa thu 1966, tôi đã đứng với Mao Trạch Ðông trên khán đài Thiên An Môn hay ngồi trong xe mui trần để duyệt hồng vệ binh. Lâm Bưu cũng có mặt trong những cơ hội nầy. Tham vọng chính trị đã làm y quên đi việc sợ nước, sợ gió. Y mỉm cười và vẫy tay chào đám đông. Tôi biết sự thù địch giữa Mao đối với hai họ Lưu và Ðặng đang đến hồi kết cuộc, tuy nhiên đối với đại đa số nhân dân, mục tiêu của Cách Mạng Văn Hóa vẫn chưa rõ ràng. Mao chửi lén Lưu Thiếu Kỳ là phản cách mạng nhưng ngoài dư luận thì Mao chưa dứt khoát và vẫn còn giọng hòa hoãn. Trong hội nghị khoáng đại Ban Chấp Hành Trung Ương từ 1 đến 12 tháng Tám, Mao có vẻ muốn tha thứ cho những người khác quan điểm với ông ta. Nhưng thật ra, đó chỉ là những lời nói dối. Tất cả những ai chống lại Mao đều sẽ bị thanh trừng một cách thô bạo trong một thời gian ngắn tới đây.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 20 
Cách Mạng Văn Hóa Tại Thủ Đô Bắc Kinh


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org




Với sự hậu thuẫn của Mao, sinh viên học sinh bắt đầu ồ ạt xuống đường càn quét thành phần mà họ cho là "tư sản". Bọn Vệ Binh Ðỏ xông vào nhà riêng, lục soát các chung cư để thẩm vấn và tìm bằng chứng chống lại con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội. 



Ngay từ đầu chiến dịch, hệ thống y tế trở thành mục tiêu hàng đầu của Vệ Binh Ðỏ. Ba trong số các thứ trưởng Y Tế đang cư ngụ trong chung cư chúng tôi ở đã bị các nhân viên của bà Giang Thanh giả dạng vệ binh đỏ vào nhà lục soát. Tôi sống trong kinh hoàng vì lo một ngày không xa sẽ tới phiên nhà mình bị khám xét. Muốn tránh khỏi bị hãm hại tôi, thay vì ở nhà, tôi xin Mao tạm trú ngay trong cơ quan ở Trung Nam Hải. 



Mao đồng ý, ông ta giao tôi công việc đọc các bản báo cáo, chọn lựa những tin quan trọng để trình lên Mao. Tình hình chính trị trong nước đang trong giai đoạn hỗn loạn. Các bản báo cáo từ bốn phương gởi về tới tắp. Ban tham mưu của Mao cũng chẳng thế nào đọc hết. 



Tôi thích công việc mới vì đây là dịp để đọc những tin rất là bí mật, trong số đó có những biên bản của ban lãnh đạo trung ương của tổ chức Vệ Binh Ðỏ. Nhưng dần dần ngay tại Trung Nam Hải cũng không còn là một chỗ trú an toàn. Chu Ân Lai cũng đang bị nghi ngờ. Chu Ân Lai bị một số thành viên trong nhóm Giang Thanh tố cáo là phản đảng. Bằng chứng đến từ một tờ báo độc lập phát hành từ những năm 1930 tại Thượng Hải. Khi Mao và tôi đang tắm trong hồ bên trong nhà thì Chu đến, kẹp trong nách bản sao của tờ báo. Mao thỏa mãn với báo cáo của Chu Ân Lai và trách cứ thái độ làm việc vô trách nhiệm của đám phụ tá của Giang Thanh. 



Trường hợp của Ðiền Gia Anh cũng chưa được giải quyết xong. Nhiều nhân vật ở Trung Nam Hải vẫn còn xúc động khi cái chết của anh ta. Ðiền Gia Anh bị buộc tội phản bội và tất cả chúng tôi, những người trước đây, có liên hệ đến anh ta đều bị nghi ngờ. Chu Ân Lai, vẫn trung thành đối với Mao, đã chỉ thị cho Uông Ðông Hưng tăng cường việc bảo vệ an ninh cho Mao. Uông Ðông Ưng đã ra lịnh cho một viên phụ tá của y, có tên Vũ Quang, tiến hành việc điều tra tình hình và bảo đảm an ninh thêm cho Mao. Các công nhân viên làm việc trong các cơ quan đảng và chính phủ ở Trung Nam Hải được lịnh viết các bản kiểm thảo cá nhân và báo cáo nếu họ phám phá ra các hành vi chống lại Mao Chủ Tịch của các đồng nghiệp khác. 



Trong vài tuần lễ sau đó, tôi bị bà góa phụ của Ðiền Gia Anh là Tổng Sương tố cáo. Thật ra bà ta muốn chứng tỏ bà và người chồng đã chết của bà không có liên hệ gì về chính trị. Nếu không chứng tỏ như vậy, bà Tổng Sương mãi mãi sẽ bị gán cho tội danh là vợ của một tên phản đảng. Tố cáo tôi là cách để chứng tỏ sự trung thành với đảng của bà ta. Một bí thư của Ðiền Gia Anh là Phàn Tiên Tri, cũng tố cáo tôi. Nhưng khác với bà vợ của Ðiền Gia Anh, Phàn Tiên Tri, lại có bằng chứng. Họ Phàn báo cáo lại một buổi thảo luận giữa tôi, Uông Ðông Hưng và Lý Khắc, tùy viên cũ của Mao, trên một chuyến xe lửa vào năm 1963. Hôm đó, tôi phê bình chính sách đấu tranh giai cấp của Mao. Tôi không thích "chiến dịch giáo dục xã hội chủ nghĩa" mới do Mao đề ra. Phàn Tiên Tri báo cáo là tôi đã nói rằng "Chủ Tịch không muốn nhân dân có ngay cả một phút hòa bình. Ngay sau khi họ vừa sản xuất đủ gạo ăn, Chủ Tịch đã kiếm chuyện khác ngay." Thật ra gã họ Phàn chưa hề nghe tôi nói như vậy nhưng nội dung thì đúng như vậy vì Lý Khắc đã báo cáo với Ðiền Gia Anh trước đó. 



Cũng may là Uông Ðông Hưng đã bảo vệ tôi. Họ Uông cũng chẳng có chọn lựa nào khác. Tôi và y có một mối liên hệ quan trọng ở Trung Nam Hải. Uông Ðông Hưng là người giới thiệu tôi làm y sĩ riêng cho Mao Chủ Tịch, nếu tôi là tên phản động thì họ Uông cũng sẽ là tên phản động theo. Nguy khốn hơn nữa là có mặt Uông Ðông Hưng trong khi tôi phát biểu như vậy, nếu y nghe mà không báo cáo với cấp trên chẳng kác gì y cũng đồng ý với quan điểm của tôi. 



Hai lá thư tố cáo tôi hiện đang nằm trong tay Uông Ðông Hưng. Nếu y gởi chúng đến Giang Thanh và đồng bọn, tôi tức khắc sẽ vô khám. Uông Ðông Hưng cũng không dám đốt hai lá thư. Y bèn dấu chúng trong phòng riêng của ông ta. Họ Uông cũng đồng thời ra lịnh cho Vũ Quang, lúc đó đang điều tra tại Trung Nam Hải, để tên nầy ra lịnh cho tên họ Phàn im mồm lại, đừng tố cáo tôi nữa. Khi trường đào tạo cán bộ Ngày Bảy Tháng Năm được thành lập và nhiều triệu tình nghi từ các lớp "Nghiên Cứu Giai Cấp", trong đó có cả Phàn Tiên Tri, bị đày đi Giang Tây. Họ Phàn ở lại Giang Tây mãi đến 1978. 



Ngay sau khi chuyện tố cáo tôi tạm lắng dịu thì đến chính bản thân Uông Ðông Hưng cũng bị tố cáo. Các phụ tá họ Uông nổi lên chống lại. Chúmg viết nhiều biểu ngữ tố cáo họ Uông, cho rằng Uông Ðông Hưng đáng bị thiêu sống. Tư dinh của Uông Ðông Hưng không còn là chỗ an toàn nên cuối cùng Uông buộc lòng phải giải quyết số phận của các tài liệu. 



Uông Ðông Hưng đem các lá thư tố cáo đến gặp Chu Ân Lai và mong rằng họ Chu cất giữ dùm những tài liệu nầy. Chu Ân Lai rất lo ngại. Việc giữ những tài liệu nguy hiểm nầy giống như cầm cục than nóng trên tay. Nhưng họ Chu cũng cần Uông Ðông Hưng bảo vệ nên cuối cùng phải chấp nhận giữ dùm các lá thư tố cáo. 



Cuộc tấn công vào Uông Ðông Hưng không diễn ra quá lâu. Mao can thiệp và chấm dứt chiến dịch. Mao chỉ thị cho Chu Ân Lai, và Chu Ân Lai lại lần nữa chuyển chỉ thị cho các cấp rằng không có một cán bộ nào đang phục vụ trong bộ tham mưu của Mao là thuộc thành phần phản động. Họ Uông nắm lấy cơ hội tổ chức cuộc phản công nhắm vào các thành phần chống đối. Kẻ nào thù ngịch với y, họ Uông lập tức gởi chúng đi lưu đày ở Trường Ðào Tạo Cán Bộ Giang Tây ngay. Ðơn vị của Uông Ðông Hưng, nhờ vậy, đã trở thành đơn vị duy nhất tồn tại trong Cách Mạng Văn Hóa. 



Mặc dù được Uông Ðông Hưng bảo vệ chặt chẽ, Mao càng ngày càng cảm thấy bất an. Y ra lịnh di chuyển chỗ ở hai lần kể từ khi trở về Bắc Kinh vào tháng Bảy 1966. Trong thời gian nầy, dưới áp lực nặng nề của cuộc Cánh Mạng Văn Hóa, Mao cũng tạm thời ngưng bớt các chuyện tình ái lăng nhăng chung quanh ỵ. Tuy nhiên việc tổ chức các buổi dạ vũ thì vẫn còn. Khi Giang Thanh trở lại Trung Nam Hải, bà ta thỉnh thoảng cũng tham gia các buổi dạ vũ. Tôi sững sờ khi gặp lại Giang Thanh. Bà ta thay đổi nhiều quá. Ăn mặc theo lối đàn ông, áo quần rộng thùng thình trong giống như một tên độc tài. Bà hiện giữ trong tay sinh mạng nhiều triệu người. Giang Thanh ngay cả thuyết phục được Mao để từ bỏ các buổi dạ vũ, mà theo bà là "văn hóa tư sản" nầy. Mao Trạch Ðông, mấy hôm sau, than thở với tôi "Tôi bây giờ chẳng khác gì một thầy tu." 



Nhưng chẳng ngưng được bao lâu thì trò chơi cũ tái lập ở phòng 118. Các nàng thiếu nữ trẻ trung được dâng tới cho Mao. Những buổi dạ vũ được tái tổ chức. Trong lúc ngoài sân Thiên An Môn cuộc cách mạng văn hóa đang tới đỉnh cao. Cả Trung Quốc đang chìm trong hỗn loạn, Mao vẫn tiếp tục đời sống của một đế vương bên cạnh các cung nữ hầu hạ suốt ngày đêm bên trong tòa nhà Nhân Dân Ðại Sảnh. 



Nhiều phụ nữ trước đây đã từng dan díu với Mao và nay đang bị nghi ngờ trong chiến dịch Cách Mạng Văn Hóa cũng tìm đến cầu cứu Mao. Trương Ngọc Phượng là một thí dụ điển hình. Khoảng đầu tháng 11 năm 1966, Ngọc Phụng đến Trung Nam Hải, mang theo một chai rượu và một gói kẹo để biếu Mao. Vì Ngọc Phụng không thể xin gặp Mao trực tiếp nên nàng ta phải nhờ qua trung gian của bà y tá trưởng. Trong thời gian nầy, Ngọc Phụng vẫn còn là một tiếp viên trên chiếc xe lửa đặc biệt của Mao. Ðám phản loạn trong Bộ Giao Thông Vận Tải vừa lật đổ viên Bộ Trưởng và chiếm đoạt hết quyền hành. Trương Ngọc Phượng là một đảng viên trung thành với thượng cấp, vì vậy nàng cũng bị họa lây. Việc nàng viếng thăm Mao chẳng qua là nhờ Mao bảo vệ nàng. Nàng rất lấy làm thỏa mãn với kết quả, Mao chẳng những đã tiếp mà còn hứa bảo vệ nàng. 



Lưu, một bạn gái khác của Mao từ Ðoàn Văn Công cũng đang lâm nạn. Lưu cũng tìm đến Mao để xin cứu mạng. Lưu cùng đi với hai cô gái khác. Khi họ vừa gặp bà y tá trưởng đã khóc lăn lóc. Bọn phản loạn trong đoàn văn công vừa lật đổ ban lãnh đạo đoàn, tống cổ đào kép ra đường. Ba nàng đã lang thang hai ngày không nơi nương tựa. Mao tiếp cả ba em một lúc, và trấn an "Nếu họ đuổi mấy em đi thì qua đây tá túc với qua vậy. Bọn chúng tố cáo các em đang bảo vệ các ông vua phong kiến hả, thì cứ coi ta đây như là vua vậy." 



Lưu là người có lợi nhất. Khi Mao chỉ thị cho Diệp Quần, vợ của Lâm Bưu chấm dứt việc tấn công các cô bạn của y, thì Diệp Quần không những tuân lịnh mà còn đề nghị nàng Lưu vào chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Cách Mạng của Ðoàn Văn Công Không Quân Trung Quốc. Nàng Lưu, nhờ vậy, từ môt cô vũ nữ thất nghiệp, đi lang thang trở nên một cán bộ cao cấp trong cách mạng văn hóa. 



Lưu và mấy cô bạn sau đó đã trở lại Trung Nam Hải ăn nằm với Mao. Mao thường dành nhiều ngày để hủ hỉ với mấy em, mặc cho bên ngoài đang nổi giông nổi tố. Trong thời gian nầy, Giang Thanh hay xuất hiện ở Trung Nam Hải. Nhiều khi bà ta đến chẳng thông báo gì cả, làm mấy em của Mao nhiều phen khiếp vía. Mỗi lần như vậy thì bà y tá trưởng chỉ đủ thời giờ cảnh giác cho các em trốn trong phòng riêng của Mao. Việc nầy cũng làm cho Mao tức giận và chỉ thị "Các lãnh đạo cao cấp của đảng đến gặp tôi đều phải xin phép trước, tại sao Giang Thanh thì không ?" Từ đó và mãi đến khi Mao chết, ngay cả Giang Thanh cũng phải xin phép trước mới gặp được Mao. 



Tình bạn giữa Lưu và Diệp Quần được tiếp tục. Vào năm 1969, Lưu có thai. Diệp Quần cho rằng cha của bào thai phải là Mao Trạch Ðông nên quan tâm rất đặc biệt. Bà ta sắp xếp cho Lưu được nằm tại Tổng Y Viện Không Quân trong thời gian chờ sinh đẻ. Khi Lưu hạ sinh một đứa con trai. Diệp Quần vui mừng la lớn "Thật là một tin mừng vĩ đại, Mao Chủ Tịch có nhiều con, nhưng đứa thì chết, đứa còn sống thì bịnh. Cháu bé trai nầy sẽ tiếp tục nối dõi tông đường cho Mao Chủ Tịch." Nhiều người nhìn thằng bé đều công nhận chú giống hệt Mao. Tôi viếng thăm Lưu ở bịnh viện, cô ta kể lại chuyện Diệp Quần. Tôi nghe nhưng không nói gì, tôi không cho ai biết là Mao đã tuyệt đường con cái.


No comments:

Post a Comment