“Xã hội dân sự và các mối quan hệ giữa nhân dân
hai nước là một trong những mảng thú vị nhất của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”
- nữ chính trị gia kiêm thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về chính trị của Hoa Kỳ
Wendy Sherman đã bình phẩm một cách ý nhị trong chuyến làm việc với các quan
chức cao cấp Hà Nội vào đầu tháng 3 năm 2014.
Lối nói bóng bẩy nhưng không kém tính thực tế
của những người đang cầm cân nảy mực về số phận TPP, gắn liền với mưu cầu thực
dụng của chính quyền Việt Nam, đã gần như hợp thức hóa và mở toang cánh cửa xã
hội dân sự trong một cơ chế vừa trải qua cuộc kiểm điểm định kỳ về nhân quyền
đầy dị nghị tại Geneva vào đầu tháng 2 năm 2014.
Cuộc gặp gặp gỡ công khai của Wendy Sherman với
nhóm dân sự “Hội anh em dân chủ” ngay tại thủ đô của một chế độ đang bần thần
giữa hai dòng đối lưu nhất nguyên và đa nguyên có thể là một ví dụ thú vị nhất,
khi một năm trước đó đã không có sự “cho phép” nào từ phía Nhà nước Việt Nam,
còn cách đây vài ba năm điều đó chỉ có hàm ý như một giấc mơ.
Cửa đã mở?
Những hội nhóm dân sự độc lập ở Việt Nam cũng
đang mơ màng về một giấc mộng giữa đời thực. Trùng với chuyến công du của Wendy
Sherman, một hội đoàn văn nghệ có tên “Văn đoàn độc lập Việt Nam” đã được khởi
xướng và bắt đầu giai đoạn vận động các hội viên. Chỉ ít ngày sau, một ý tưởng
khác được khơi bật: tại sao không thể thành lập hội nhà báo độc lập Việt Nam?
Những ý kiến thuộc về giới bất đồng chính kiến
thâm niên cũng cùng lúc hướng đến một số hội nhóm nghề nghiệp khác như hội luật
sư độc lập, hội mỹ thuật độc lập, hội điện ảnh độc lập… và tất nhiên không thể
thiếu một nghiệp đoàn độc lập dành cho người lao động, hay cụ thể hơn là nghiệp
đoàn công nhân, tương ứng với một trong những tiêu chí đầu bảng nằm trên bàn
đàm phán về TPP giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Áp lực quốc tế đã khiến Việt Nam cởi
mở hơn về xã hội dân sự?
Không phủ nhận là cửa đã mở. Không chỉ hé mở mà
đã vượt qua chế độ khép hờ, nếu nhìn lại việc chỉ đến cuối năm 2013, sau cuộc
làm việc không tuyên bố tại Hà Nội của một quan chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ là
Phó trợ lý ngoại trưởng Scott Busby, Nhà nước Việt Nam mới bắt đầu lấp ló cái
nhìn khiên cưỡng - như thái độ dần phải thừa nhận về vai trò của xã hội dân sự
trong một tương lai mà thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã
úp mở về “cải cách thể chế”, “cơ chế phản biện” và “người dân được quyền làm
những gì pháp luật không cấm”.
Hiển nhiên nếu tham chiếu Hiến pháp Việt Nam
năm 1992 và bản hiến pháp mới nhất có hiệu lực vào đầu năm 2014, việc một nhóm
trí thức nào đó tự nhiên thành lập hội là không thể vi phạm pháp luật. Vào ngày
18/2/2014 và trùng với thời điểm phiên tòa xử phúc thẩm luật sư Lê Quốc Quân
cùng cái chết quá khó để minh bạch của viên Thượng tướng kiêm Thứ trưởng Bộ
công an Phạm Quý Ngọ, một hội đoàn độc lập rất đặc biệt có tên “Hội cựu tù nhân
lương tâm Việt Nam” đã ra đời.
Thành lập suôn sẻ
Một trong những điểm khởi thủy thú vị nhất của
hội đoàn này chính là tính chất dân sự và độc lập của nó đã được biểu hiện ngay
từ lúc phôi thai: không trải qua bất cứ một thủ tục “xin phép” nào đối với
chính quyền. Cũng không tốn kém thời gian vào giai đoạn “ban vận động”, mà như
một mặc định, những người từng chịu cảnh tù đày đã tổ chức sinh hoạt với nhau
một cách bài bản và chặt chẽ. Một điểm khác thú vị không kém là cho đến nay,
chưa có bất cứ thành viên nào của Hội cựu tù nhân lương tâm VN bị chính quyền
“thăm hỏi”, cho dù ai cũng biết không ít thành viên của hội đoàn này từng chịu
án tù “phản cách mạng” đến vài chục năm.
Các nhóm dân sự ở Việt Nam thường bị
chính quyền sách nhiễu
Khách quan và tế nhị, có thể cho rằng “thời kỳ
sợ hãi” đang dần trôi qua. Sắc mùa của xã hội dân sự ở Việt Nam đang chuyển
sang thời đoạn mà mỗi hội sinh ra đều là một thách thức đối với chính nó. Với
những chỉ dấu chuyển từ hệ thống nhất nguyên sang đa nguyên đang phát lộ một
cách thầm kín nhưng ngày càng dày hơn, giới chính kiến độc lập không còn quá
phải lo lắng về chuyện có thể bị sách nhiễu hoặc bị bắt bớ như vào những năm
trước. Nhưng cũng vào chính lúc này, sức ép tinh thần kèm trách nhiệm lại hiện
hình trên con đường của họ: làm thế nào để các hội đoàn độc lập thể hiện đúng
tinh thần “tự do biểu đạt”, và trên hết là là biểu đạt một cách có ý nghĩa
nhất, thiết thực nhất đối với đời sống dân trí, dân sinh và dân quyền?
Thực ra, những tiền lệ trứng nước về hội nhóm
dân sự độc lập đã hình thành từ năm 2009 với sự ra đời của trang mạng Bauxite
Vietnam. Đến năm 2013, nhóm Kiến nghị 72 là một bước chuyển tiếp chưa từng thấy
về những đề nghị cải cách Hiến pháp và chế độ một đảng - hiện tượng có thể so
sánh với phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc năm 1977 và phong trào dân chủ
đối lập của Viện sĩ Sakharov ở Liên Xô vào năm 1986.
Bất ngờ chìm lắng
Rất khó hiểu là lại xuất hiện một hiện tượng kỳ
quặc vào nửa cuối năm 2013, trong bối cảnh áp lực quốc tế dâng cao khiến chính
quyền và ngành công an không xúc tiến bắt giam thêm một nhân vật bất đồng chính
kiến nào, thậm chí vài thành viên trẻ của phong trào dân chủ ở Việt Nam còn
được trả tự do, bầu không khí thực chứng của xã hội dân sự lại chìm lắng một
cách đáng ngạc nhiên. Chỉ có thể giải thích: tình cảnh này xem ra khá đồng cảm
với nạn suy thoái trầm kha của nền kinh tế Việt Nam.
Hiện chưa có sự tương thân giữa các thành
viên các nhóm dân sự?
Người ta có thể chứng nhận sự xuất hiện khá
nhanh chóng của một số hội nhóm vào nửa cuối năm 2013 như Mạng lưới blogger
Việt Nam, Diễn đàn xã hội dân sự, Hội bầu bí tương thân, nhóm Phụ nữ nhân quyền
Việt Nam… Tuy nhiên giới quan sát cũng không tránh khỏi cảm giác không mấy an
tâm về thái độ thiếu bền vững về chiến lược và cả sách lược hành động của một
vài hội nhóm dân sự. Điều chứng thực là cho đến nay có nhóm dân sự vẫn chỉ tồn
tại trên danh nghĩa mà gần như chưa có bất cứ một hoạt động xứng đáng nào với
tên gọi của nó.
Tình hình có vẻ trái khoáy như thế đã dẫn đến
một câu hỏi nan giải: cho dù xã hội dân sự là một “mảng thú vị” trong đời sống
của giới trí thức và các bạn trẻ không cùng quan điểm chính trị với chính
quyền, song sự thật không thể chối bỏ là phong trào hình thành hội nhóm dân sự
đã chuyển dịch theo hướng thiên về số lượng chứ không phải chất lượng trong ít
nhất từ tháng 9/2013 đến nay.
Thiếu khuôn mặt mới
Thậm chí, việc vận động thành viên mới ở nhiều
hội nhóm vẫn là một thách thức quá lớn. Với khá nhiều hội nhóm dân sự, người ta
vẫn chỉ nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc. Sự thiếu vắng những gương mặt mới
cũng phần nào cho thấy tâm lý dè dặt và sợ sệt vẫn nổi lên trong số đông quần
chúng, lồng trong bối cảnh đa phần hội nhóm dân sự chưa thể thiết lập kế hoạch
hành động liên tục và gắn kết với cuộc sống của các tầng lớp dân nghèo.
Mỹ đang trông chờ có những chuyển biến
tích cực về nhân quyền ở Việt Nam
Không những thế, một lần nữa lịch sử nền văn
hóa tiểu nông lặp lại. Trong thời kỳ manh nha của xã hội dân sự ở Việt Nam,
tình trạng xa cách giữa các hội nhóm và xa biệt giữa các thế hệ đã biến thành
cái dằm xốn xang trong mắt những người nhiệt tâm. Với một số hội nhóm dân sự,
bài toán hiệu quả hoạt động chỉ nằm ở một mắt xích đơn giản nhất: nếu thành
viên của họ đa phần là những người từ sáu chục tuổi trở lên, liệu ai sẽ là lớp
trẻ để gánh vác những hoạt động cụ thể?
Đó là một thực tế không thể phủ định, cũng như
hiện trạng mà công luận đang nhìn thấy ở vài hội nhóm dân sự như Văn đoàn độc
lập Việt Nam. Cho dù được cho là một hội đoàn tập hợp trí tuệ và nhiều trí thức
có tên tuổi, song chừng đó vẫn là quá ít ỏi cho tương lai xã hội dân sự nếu
hoạt động chủ yếu của những hội đoàn như vậy chỉ nhằm tung ra những bản kiến
nghị trên mạng và tổ chức hội thảo khoa học.
Một thực tế khác là hiện tượng “lão hóa” và
thiếu kết nối với giới trẻ có lẽ đã khiến nhóm Kiến nghị 72, sau nửa đầu năm
2013 chiếm vị trí số một về cách tân dân chủ, cho đến nay chỉ tồn tại chủ yếu
bằng vào hoạt động của nhóm Diễn đàn xã hội dân sự.
Vận động công khai
Trong tâm tư nhiều người trẻ tuổi, đã đến lúc
các nhóm dân sự, đặc biệt những nhân sĩ và trí thức có tên tuổi, cần chuyển
hành động phản biện từ “online” sang “offline”, từ hình thức kiến nghị đang
giảm dần sức hút trên mạng Internet sang những hoạt động sinh hoạt, vận động
công khai và tất nhiên mang tính ôn hòa ngoài đời.
Các hội nhóm nên chuyển từ trên mạng sang
vận động công khai?
Khác hẳn với hình thức hội đoàn nhà nước, các
thành viên của hội đoàn dân sự độc lập xuất phát từ sự khác biệt chính kiến với
đảng và chính quyền. Do vậy, trong một hoàn cảnh và ở một mức độ nào đó họ có
thể bị đe dọa bởi mối rủi ro như những can thiệp của chính quyền đối với họ về
công ăn việc làm, kinh tế gia đình, an ninh cá nhân… Từ tâm trạng này, thật dễ
hiểu khi nhiều người trẻ tuổi trong phong trào dân chủ xướng lên một câu hỏi
rất thiết thực: nếu một thành viên trong lớp “cận vệ già” bị chính quyền bắt
giữ hoặc bị bắt giam vì lý do nào đó, liệu đội cận vệ ấy có đồng lòng kéo đi
đòi trả tự do cho người bị bắt hay không?
Câu trả lời đang trở nên khó hiểu và càng khó
xử. Thực tế chưa cho thấy nhiều bằng chứng về tính đoàn kết ngay giữa những trí
thức gạo cội. Thậm chí khá ngược ngạo, một số trí thức vẫn mang nặng tình cảm
cái tôi tuyệt đối và vai trò “lâu đài”, đặt quyền lợi và danh tiếng cá nhân
vượt trên mục tiêu chung của con đường đấu tranh dân chủ cho dân tộc. Tâm thế
này đã triệt tiêu không ít động lực tương thân tương ái trong khối trí thức và
gây ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý đối với các thành viên trẻ và khối cảm tình
viên.
Năm 2014 đã sang trang. Bản thông điệp đầu năm
của thủ tướng có thể không mang nhiều dấu ấn về lòng thành chính trị, nhưng lại
có ý nghĩa như một tính toán đầy quyết tâm và quyết liệt, đặc biệt gợi cảm cho
“phe lợi ích”. Điều trớ trêu là không khí dân chủ cũng phát tác chủ yếu từ động
thái chạy đua với thời gian ấy.
Xu hướng hình thành các hội đoàn độc lập đang
và sẽ lan dần, cùng triển vọng năm nay số hội nhóm dân sự ra đời có thể gấp đôi
so với năm 2013. Tuy nhiên hàng loạt câu hỏi lại nảy sinh một cách gay gắt và
đòi hỏi tính quả quyết: làm thế nào để tạo dựng tính cách độc lập riêng biệt
cho khối hội đoàn dân sự - độc lập với nhà nước về quan điểm, nội dung hoạt
động, nhân sự, tài chính? Làm thế nào để các nhóm dân sự không bị rơi vào quán
tính mài mòn đũng quần và ù lì sáng tạo như các hội đoàn nhà nước, không trở
thành một cơ quan “định hướng tuyên truyền” hoặc đơn giản là không bị biến
thành một chỗ vui chơi hội hè và xài tiền đóng thuế của dân chúng? Và làm thế
nào để trong tương lai gần, các hội đoàn dân sự độc lập sẽ không quá “độc lập”
với nhau về mối quan hệ và các trách nhiệm dân sự?
Bài viết thể hiện quan điểm và cách
hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại Thành phố Hồ Chí
Minh.
No comments:
Post a Comment