Lâu lâu trên mạng internet người ta lại xầm xì
chuyện con anh Sáu, cháu anh Năm được luân chuyển về nhận một trọng trách ở một
địa phương nào đó theo kiểu đưa lên. Thật ra đó là chuyện bình thường trong
công tác tổ chức cán bộ, khi đó cái gọi là cơ cấu là nước cờ chuẩn bị nhân sự
cần thiết cho các thành phần 4C (con các cụ cả) vươn lên để đảm nhận các trọng
trách kế cận để bảo vệ sự nghiệp của cha ông họ.
Đầu tháng 3.2014 vừa qua, Văn phòng Trung ương
Đảng thông báo công văn số 7314-CV/VPTW về chủ trương và quyết định của Bộ
Chính trị, Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ kế cận, nhằm chuẩn bị một bước về
nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ở Trung ương nhiệm kỳ tới.
Đây là chủ trương của Bộ Chính trị để tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy,
chính quyền một số tỉnh, thành phố. Theo báo chí trong nước gần đây cho biết, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định luân chuyển đợt một gồm 44 đồng chí. Trong
đó, 25 đồng chí giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 19 đồng chí giữ chức Phó
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Trong số cán bộ luân chuyển đợt này
có 02 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, 19 đồng chí thứ trưởng và tương
đương, 25 đồng chí cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, có 3 cán bộ nữ. Toàn bộ
số cán bộ luân chuyển đợt này đều trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt
các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, trong đó có 22 đồng chí được quy hoạch chức
danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ
tiếp theo.
Trong số 44 người được luân chuyển lần
này, thì dư luận chú ý đến trường hợp của ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị 38
tuổi, là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, là con trai lớn của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã được Bộ Chính trị điều động về làm Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên
Giang. Theo thông tin báo chí cho biết, trước khi công tác tại Bộ Xây dựng, ông
Nghị là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
Tháng 1/2011 được bầu vào Ban chấp hành Trung ương khóa XI và là Uỷ viên Trung
ương Đảng có tuổi đời trẻ nhất – 35 tuổi và cuối 2011, ông nhận quyết định điều
động, bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Sở dĩ dư luận chú ý đến trường hợp này
không chỉ vì ông Nguyễn Thanh Nghị là con trai cả của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, mà một phần cũng vì sự thăng tiến trên con đường quan lộ của ông Thứ
trưởng Nguyễn Thanh Nghị hết sức nhanh chóng ngoài sự tưởng tượng. Năm 2006 sau
khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học George Washington (Hoa Kỳ), chỉ 02 năm sau –
năm 2008 ông được bổ nhiệm Hiệu phó trường Đại học Kiến trúc TP. HCM. Rồi cũng
chỉ 3 năm sau – năm 2011 sau khi được bầu vào chức Ủy viên dự khuyết Trung ương
Đảng ông được bổ nhiệm vào ghế thứ trưởng Bộ Xây dựng. Và cho đến nay, cũng chỉ
mới 3 năm ông lại phải luân chuyển một lần nữa khi về nhận chức Phó Bí thư Tỉnh
ủy Kiên giang. Nhìn lại sự nghiệp của ông trong 8 năm qua (2008-2014) thì thấy
lần lượt ở các chức vụ mà ông đảm trách thì không chức vụ quan trọng nào ông
giữ quá 3 năm. Trong vòng chỉ có 8 năm mà ông Nguyễn Thanh Nghị được điều
chuyển với nhiều chức vụ ở những cương vị khác nhau. Đáng chú ý lúc này ông
Nghị còn quá trẻ và ít nhiều chưa có kinh nghiệm làm việc trong các chức vụ mà
ông đang đảm nhiệm và mới được bổ nhiệm. Và việc liên tiếp bổ nhiệm và điều
chuyển công tác như thế không biết ông Nguyễn Thanh Nghị lấy đâu thời gian để làm
việc và học hỏi nhằm nâng cao năng lực của cá nhân mình trong công việc?
Không những thế, dư luận còn cho rằng từ
nay đến trước Đại hội Đảng lần thứ XII đầu năm 2016, chắc chắn đồng chí Bí thư
tỉnh ủy Kiên Giang hiện nay sẽ bị luân chuyển đi đâu đó, để ông Nguyễn Thanh
Nghị sẽ thế chân để đảm nhiệm chức vụ này. Trường hợp có trục trặc thì ông
Nguyễn Thanh Nghị lại lộn ra làm Bộ trưởng Xây dựng, chức vụ kể ra cũng tạm
được. Vì có nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Kiên Giang là cái nôi quyền lực
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là nơi ông Dũng từng bắt đầu đi lên
trên các nấc thang quyền lực trước khi ra Hà Nội rồi cuối cùng trở
thành Thủ tướng. Ttrước đây, tại Kiên Giang, ông Nguyễn Tấn Dũng từng
làm bí thư Huyện Hà Tiên, sau thăng chức làm Phó Bí thư rồi Bí thư
Tỉnh ủy và ông Dũng cũng từng là Chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Nơi đây được
cho là có nhiều thành phần ủng hộ ông Dũng và bản thân ông Dũng cũng
từng cất nhắc nhiều các bộ từ Kiên Giang ra trung ương. Đây được coi là
việc dọn đường để đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tới đây, ông Nguyễn Thanh
Nghị sẽ chắc chắn trúng ghế Ủy viên trung ương chính thức. Tạo tiền đề cho ông
Nghị tiến tới những chức vụ cao hơn nữa trong tương lai, điều mà dư luận đồn
đoán rằng mục tiêu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa con trai cả của mình
vào Bộ chính trị trong Đại hội đảng lần thứ XIV.
Trước thông tin đó dư luận xã hội cũng
có nhiều luồng ý kiến khác nhau, có một luồng ý kiến cho rằng, đối với một con
người bình thường chỉ cần đạt được một trong những bước tiến như của ông Nguyễn
Thanh Nghị thì xem ra cũng là sự mãn nguyện lớn lao của một con người. Thì
trường hợp như của ông Nguyễn Thanh Nghị họ cho rằng là sự không công bằng cho
lắm. Vì theo họ, những người có năng lực, học vị như ông Nguyễn Thanh Nghị ở
Việt nam không phải là hiếm, có lẽ ông Nguyễn Thanh Nghị được ưu ái hơn người
cũng bởi ông Nghị là con trai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Có lẽ đó là lý do vì
sao chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, ông Nguyễn Thanh Nghị có những bước tiến
phi thường và vượt bậc như vậy.
Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng việc
con Vua thì lại làm Vua là chuyện đương nhiên, ai có con cái mà không lo cho
con cái của mình. Người ta cho rằng, nên hiểu đây là vấn đề quyền lực chính
trị, một thứ quyền lực lớn nhất trong mọi thứ quyền lực. Một khi ai có quyền
lực chính trị thì nghiễm nhiên họ sẽ có đủ mọi thứ, kể cả những thứ không thể
mua được bằng tiền. Họ còn cho rằng, hơn ai hết những chính trị gia không chỉ ở
Việt nam, mà hầu hết ở các quốc gia, kể cả các quốc gia dân chủ họ cũng đều
nghĩ như thế. Cứ xem ở Singapore, Thái lan hay ngay cả xứ Dân chủ đa đảng hàng
đầu như Hoa kỳ cũng vậy. Ở đâu chẳng như nhau. (!?) Họ bảo vệ quan điểm của
mình bằng một ví dụ khá thuyết phục, nếu hình dung trong tình huống có hai đứa
trẻ cùng trong hoàn cảnh sắp bị chết đuối, một trong hai đứa đó có một đứa là
con của bạn thì bạn sẽ quyết định cứu đứa trẻ nào trước? Chắc chắn là bạn sẽ
cứu con mình, vì đấy là điều đã trở thành phản xạ có điều kiện của con người:
Con mình ai không thương, không xót?
Họ nói như thế để biện minh cho việc
xuất hiện hiện tượng một số thái tử đỏ thăng tiến nhanh chóng một cách bất ngờ
ở Việt nam trong thời gian qua. Như trường hợp ông Nông Quốc Tuấn ủy viên
Trung ương dự khuyết con trai của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, hiện là Phó
Ban Dân tộc TW. Hay như ông Nguyễn Xuân Anh, con trai của cựu ủy viên Bộ
chính trị, trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi, cũng đã được
đề bạt là phó chủ tịch Đà Nẵng cách nay không lâu. Ngoài ra còn con
trai lớn của ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, là Lê
Trương Hải Hiếu cũng đã được bổ nhiệm là phó bí thư Quận 1, một
quận trung tâm của thành phố lớn nhất Việt nam. v.v… Mà theo họ nó cũng
chẳng khác gì một ông Thủ tướng Lý Hiển Long, một bà Thủ tướng Yingluck
Shinnawatra hay một Tổng thống Geogre W. Bush v.v…
Nhưng những người đó không biết rằng ở
nước ngoài, để nối nghiệp những người trong gia đình thì bản thân những người
đó phải có đủ năng lực một cách thực sự, họ phải có khả năng lãnh đạo một cách
rõ rệt hơn người. Ngoài ra, ngoài việc thừa hưởng uy tín chính trị của gia
đình, thì bản thân những người đó phải vật lộn với các cuộc cọ xát tranh cử với
không ít các ửng cử viên sáng giá có năng lực không hề thua kém họ. Mà không
phải là một, mà là nhiều vòng tranh cử khác nhau với các quy định nghiệt ngã,
song cuối cùng là họ phải nhận được một sự ủng hộ của đa số dân chúng trong một
cuộc bầu cử công bằng. Điều đó là sự khác biệt cơ bản.
Nói thế để thấy, ông Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng cũng vậy, ông ta là một con người rất thực dụng và không phải là một
ông thánh. Nếu chúng ta biết rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có 02 người con
khác, là bà Nguyễn Thanh Phượng, sinh năm 1980, và ông Nguyễn Minh Triết sinh
năm 1990. Bà Nguyễn Thanh Phượng, hiện cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần
Chứng khoán Bản Việt, chủ tịch HĐQT công ty quản lý quỹ Bản Việt và chủ tịch
HĐQT công ty bất động sản Bản Việt. Còn chồng bà Nguyễn Thanh Phượng là một
Việt kiều Mỹ, ông Nguyễn Bảo Hoàng, tổng giám đốc điều hành quỹ đầu tư IDG
Ventures tại Việt Nam và là người gần đây mới khai trương của hàng McDonald’s
đầu tiên tại Việt Nam. Còn ông Nguyễn Minh Triết, vốn là Thạc sĩ nghành Hàng
không tốt nghiệp ở Anh, hiện ông là một trong những cán bộ Đoàn cơ sở có học vị
cao nhất. Điều mà dư luận đánh giá rằng ông Triết đang hoạt động công tác Đoàn
là nơi đào tạo lực lượng lãnh đạo kế cận của đảng trong tương lai. Về vấn đề
này có ý kiến cho rằng những người con của ông Nguyễn Tấn Dũng hầu hết không sử
dụng bằng cấp được đào tạo của mình cho công việc chuyên môn. Mà những học vị
ấy chỉ phục vụ cho mục đích thăng tiến, mà bằng chứng là “Gia đình thủ tướng
ngộ thiệt: Con trai có tiến sĩ kỹ thuật xây dựng thì đi làm Phó Bi thư, con rể
là bác sĩ y khoa thì đi mở tiệm bán hamburger” – (GS. Trần Hữu Dũng –
Vietstudies).
Qua đó người ta có thể rút ra một điều
rằng mọi hành động, lời nói hay việc làm của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều
xuất phát từ mục tiêu chính trị, vì lợi ích của cá nhân và gia đình. Ở ông Thủ
tướng Dũng, người ta để ý thấy ông luôn mắc lỗi lời nói không đi đôi với việc
làm và điều đó thể hiện ông ta chẳng có cái gì là vì nước, hay vì dân cả. Cũng
chỉ là con người cơ hội, chụp giật và không thể hiện là một tấm gương cho thuộc
cấp tôn trọng và học tập. Việc ông Thủ tướng đưa con trai cả của mình về nhận
chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên giang trái ngược hẳn với lời kêu gọi xây dựng một
nhà nước pháp quyền và tôn trọng quyền làm chủ của người dân trong nội dung
thông điệp đầu năm 2014 là một minh chứng cụ thể.
Thông qua việc cơ cấu cho con trai và
bản thông điệp đầu năm 2014 được truyền thông loan tải rầm rộ cũng cho thấy,
hình như ông Thủ tướng Dũng đang muốn khuếch trương rằng ông đang nắm thế chủ
động và làm chủ cuộc chơi trong bàn cờ chính trị của đảng CSVN trong thời điểm
này. Đây được coi là một nước cờ công khai trong một cuộc chạy đua nước rút
giành quyền lực chính trị hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra
trong năm 2016 sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật được dư luận
đánh giá là một nhân vật cải cách và có khả năng sẽ đảm nhận chức vụ Tổng Bí
thư Đảng CSVN trong nhiệm kỳ tới.
Nhưng có một điều mà nhiều người băn
khoăn, đó là nếu tất cả lãnh đạo cao cấp trong ban lãnh đạo Đảng CSVN đều chỉ
biết lo thu vén cho gia đình, con cái của mình như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, ông Lê Thanh Hải thì điều gì sẽ xảy ra cho chế độ này? Quan trọng hơn là
khi những điều ông nói thì hay, nhưng người dân mất lòng tin ở ông, cũng vì ông
cũng chuyên nói một đường nhưng làm một nẻo. Có lẽ đây chính là lý do vì sao
GS. Trần Hữu Dũng đã bình luận về tin luân chuyển con trai của Thủ tướng, và
cho rằng không có lẽ: “Mấy người này có vẻ tin rằng chế độ của họ sẽ tồn tại
nhiều năm nữa?”.
Đó cũng là suy nghĩ nghiêm túc, đáng lưu
tâm của không ít người và bản thân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cần suy
nghĩ.
Ngày 13 tháng 03 năm 2014
Blog Kami (RFA)
No comments:
Post a Comment