Hà Sỹ
Phu - Ngày 20-3-2014 tôi lại nhận được “Giấy mời” của cơ
quan An ninh điều tra, “mời” nhưng YÊU CẦU phải có mặt đúng giờ (mời đến lần thứ
ba chắc chuyển sang triệu tập?) (hình 1). Trong hơn 20 năm nay tôi không thể nhớ
được đây là “Giấy mời” lần thứ bao nhiêu nữa. Tôi vốn
không muốn kể những tai họa mà cá nhân mình phải chịu đựng, dù rất vô lý, nhưng
nay tôi đã già yếu, 75 tuổi với đủ thứ bệnh tật, tôi buộc phải có thái độ dứt
khoát để yêu cầu chấm dứt những phiền toái vô lý kéo dài hết năm này đến năm
khác như vậy. Chỉ xin tạm đề cập đến hai lĩnh vực: lĩnh vực vi phạm quyền tự do
đi lại và lĩnh vực hình sự hóa những vấn đề dân sự, dẫn đến điều tra xét hỏi
liên miên. Những vi phạm khác khi cần sẽ xin nói sau.
1/ Bị
cản trở quyền Tự do đi lại
- 15
năm sau tình hình vẫn không có gì khá hơn. Năm 2012 tôi và vợ tôi làm hồ sơ xin
cấp hộ chiếu phổ thông (passport), họ chỉ cấp cho vợ tôi, còn tôi được yêu cầu
phải tự viết một tờ cam đoan (cam đoan không liên hệ với các tổ chức chính trị,
không viết bài và trả lời phỏng vấn có hại cho chính phủ Việt Nam, khi về tường
trình chuyến đi với công an), tôi không viết vì không có văn bản nào quy định
như vậy nên tôi không được cấp. Công an Lâm Đồng bảo tôi phải về gặp Cục Xuất nhập
cảnh ở 254 Nguyễn Trãi TP HCM. Tôi về đó hỏi thì ông Đại tá Phan Văn Răng trả lời:
“Ở đây sau khi làm các hộ chiếu đã trả hết về Lâm Đồng, nếu có trường hợp không
cấp thì cũng có công văn nói rõ lý do cho công an Lâm Đồng biết rồi, Lâm Đồng
phải trả lời cụ thể cho công dân chứ sao phải về đây?”. Chị Đại úy Nguyễn Thanh
Nga còn nói rõ hơn: “Nếu bác bị tạm cấm xuất cảnh thì công an Lâm Đồng cũng phải
cho bác biết vì lý do gì và thời hạn bao lâu chứ?”. Việc cấp hộ chiếu cho tôi cứ
thế bị đưa đẩy, pháp luật sao cứ mập mờ tùy tiện?
- Mỗi
khi tôi ra Bắc, về Hà Nội hay Bắc Ninh lập tức có tin báo để công an hộ khẩu
ngoài ấy tiếp cận và gây phiền. Thậm chí vợ tôi đưa tôi ra Hà Nội chữa bệnh,
khi đi đã cẩn thận báo tổ trưởng dân phố, khi về vẫn bị công an hoạnh họe phạt
tiền cả hai vợ chồng (quả thực lúc ấy tôi chỉ mong được tự do đi lại bằng thời
Pháp thuộc).
2/ Bị
điều tra xét hỏi liên miên từ những sinh hoạt dân sự chính đáng:
- Năm
1990 tôi ra Hà Nội, khi đến thăm bà mẹ chị Dương Thu Hương liền bị câu lưu hỏi
cung 10 ngày.
- Tôi
photocopy một lá thư của ông Võ Văn Kiệt, một tài liệu đã đăng trên các trang
web và được doanh nhân Trình Quang Phú giới thiệu, tức là chẳng còn gì bí mật,
mà bị quy tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, hỏi cung liền mấy tháng và đi tù một
năm.
- Viết
thư trao đổi với các ông Lê Hồng Hà và Hoàng Minh Chính mà bị quy tội “vi phạm
luật xuất bản”, hỏi cung liền một tháng và tịch thu một dàn vi tính.
- Viết
thư trao đổi với các ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng để từ chối, không ký
vào cái “kết ước năm 2000” và giải thích vì sao Việt Nam chậm đổi mới so với
Đông Âu mà bị quản chế tại gia, hỏi cung suốt 8 tháng ròng rã và khởi tố tới tội
“phản quốc” (cùng với ông Mai Thái Lĩnh), khám nhà tịch thu một dàn vi tính nữa!
Vụ án bị hủy bỏ nhưng quản chế hai năm, hàng tháng phải lên phường làm việc với
công an!
Ngoài
ra, còn ba lần đấu tố tại phường và khu dân cư và những lần “mời làm việc” rải
rác nhiều năm. Tôi tính lại đã có trên 400 buổi bị hỏi cung và làm việc với
công an, hỏi như vậy còn chi là đời một con người?
Gần
đây, cùng với việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Phát triển và Giám sát nhân
quyền, trong nước có sự hình thành những tổ chức dân sự. Nhận thấy đó là sự
phát triển của xã hội bình thường, giúp cho xã hội cân bằng, và được mời, nên
tôi đã tham gia các hội đoàn như “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Văn đoàn độc lập Việt
Nam”…, đó là những hội có tính nghề nghiệp hoặc ái hữu, không phải những tổ chức
chính trị, và ở đâu tôi cũng là một thành viên tích cực, ôn hòa, có lý có tình,
không bao giờ quá khích.
Trở lại
việc Cơ quan An ninh điều tra “mời” chúng tôi đến cơ quan công an để điều tra.
Theo quy định chung của luật thì chúng tôi có quyền mời luật sư ngay từ đầu và
chỉ làm việc khi có luật sư, nhưng quyền tối thiểu ấy chưa bao giờ được thực hiện.
Trong vụ quy kết tôi và ông Mai Thái Lĩnh tội “phản quốc” năm 2000, tôi đến Viện
Kiểm sát Lâm Đồng đòi quyền có luật sư thì được trả lời: “Luật quy định thế
nhưng mời luật sư cũng chẳng hơn gì vì luật sư trong nước thì cũng phải cãi
theo luật Việt Nam nên cũng phải nói như công an và Viện Kiểm sát thôi ông ạ.”
(!). Thật hết biết.
Nếu tạm
gác quyền ấy, tạm chấp nhận cơ quan điều tra có quyền mời một người lên để điều
tra về một việc gì đó khi không có luật sư, nhưng giấy mời vẫn phải ghi rõ điều
tra về vụ việc gì, vì mời làm việc phải có lý do ngay lúc đặt vấn đề. Lại nhớ
năm 2000 công an đến đọc lệnh khám nhà, tôi hỏi lý do gì mà khám nhà vì khám
nhà là việc rất hệ trọng, công an bảo “Cứ khám nhà, sau 10 phút sẽ biết lý do,
ông định chống người thi hành công vụ hả?”. Đúng là luật pháp lộn ngược!
Lại cứ
rộng lượng, tạm cho phép cứ viết giấy mời làm việc mà chưa cần nói lý do, công
an có thể viện cớ này cớ khác để giải thích với một người mới một lần, hay một
vài lần bị mời. Nhưng, với một người đã bị làm việc và hỏi cung trên 400 buổi,
đã bị quy đến tội “phản quốc” mà cuối cùng vụ án phải hủy vì sự quy kết chỉ là
tầm bậy thì mọi lý sự quen dùng như vậy cũng đã thành vô nghĩa, mất thiêng,
không thể chấp nhận. Vậy, với tư cách một người đã bị “điều tra” trải dài trên
20 năm, lại đang trong thời gian chữa bệnh, là bệnh nhân đang điều trị ngoại
trú (bệnh mắt, bệnh tim, tiểu đường và u xơ tiền liệt), tôi xin giữ quyền của một
con người có ý thức, khước từ lời “mời” buộc phải đến làm việc như giấy mời trên.
Chúng
ta có cách giải quyết tốt hơn nhiều, đừng cố biến chuyện dân sự thành hình sự.
Nếu có điều gì cần trao đổi cho rõ, xin mời đến nhà, mặc dù không thích thú gì
nhưng tôi sẵn sàng trao đổi trong sự tôn trọng, vì lợi ích chung, mọi việc tôi
làm đều công khai minh bạch, không có gì phải giấu giếm. Cư xử với nhau như vậy
hẳn là có lý có tình hơn, nếu chúng ta còn muốn có lý có tình. Xin trân trọng
trao đổi hết nhẽ như vậy.
Đà Lạt,
ngày 22-3-2014
Hà Sỹ
Phu
http://www.boxitvn.net/bai/24508
(Thư
này gửi cơ quan An ninh điều tra đồng thời gửi công luận)
No comments:
Post a Comment