Thursday, March 6, 2014

CÁI GIÁ CỦA PUTIN


Trần Hồng Tâm - Ngày 19 tháng 2 năm 1954, đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao của Liên Xô đã ký quyết định chuyển giao bán đảo Crimea từ tay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Nga cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Ukraine. Chẳng ai phiền lòng vì dù ở tay Nga hay trong tay Ukraine thì nó cũng thuộc về đại gia đình Liên bang Xô viết.

Đúng 60 năm sau, những ngày cuối tháng 2 năm 2014, Crimea đã trở thành nguyên nhân cho một cuộc khủng hoảng mang nặng màu sắc địa chính trị.

Nga đã đưa 6000 thủy quân lục chiến vào bán đảo này, và tước quyền kiểm soát từ chính phủ Ukraine. Những gì sẽ diễn ra vào những ngày sắp tới thì không ai có thể đoán được. Sát nhập bán đảo Crimea về lại lãnh thổ Nga, hay dùng nó như một điều kiện ràng buộc để thương lượng với Ukraine.

Lịch sử có lúc là những trò đùa thật đắng cay.

Không còn nghi ngờ gì. Nga đã vi phạm thô bạo luật pháp và công ước quốc tế. Nga cũng vi phạm vào điều khoản quan trọng của hiệp định đã đưọc ký giữa hai quốc gia: Nga phải tôn trọng và bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine thay bằng Ukraine nhường toàn bộ kho vũ khí nguyên tử của Liên Xô cũ cho Nga sử dụng. 

Với người Mỹ và với toàn thế giới, đây là một hành vi rất đáng tiếc. Sự cố này lẽ ra có thể giải quyết ôn hòa qua con đường ngoại giao mà không cần phải dùng đến sức mạnh quân sự.

Nếu Nga chiếm một phần lãnh thổ của Ukraine mà không bị trừng phạt, thì những cường quốc khác như Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy.

Cả thế giới đang phải đối mặt với một thử thách. Những thông điệp của cộng đồng quốc tế gởi đến cho Putin hẳn rằng phải mạnh mẽ, cứng rắn và rõ ràng. 

Tổng thống Obama đã tuyên bố hủy bỏ toàn bộ hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Sochi vào tháng Sáu này. Các lãnh đạo của Canada, Anh, Pháp cũng làm như vậy. Có lẽ người ta cũng bàn đến việc khai trừ Nga ra khỏi nhóm G-8. Lưu ý rằng G-8 được sáng tạo ra như một cử chỉ danh dự ưu đãi ban tặng cho cho nước Nga hậu cộng sản. 

Vào thế kỷ này mà ỷ vào sức mạnh quân sự thì khó mà giải quyết được mọi vấn đề. Chi phí quân sự của Nga gấp 18 lần so với Ukraine. Rồi đây, NATO sẽ khởi động lại kế hoạch hệ thống tên lửa đạn đạo dự trù đặt tại Ba Lan đã bị hủy bỏ do tôn trọng ý kiến của Putin cách đây vài năm.

Về măt kinh tế, Mỹ và Liên hiệp Châu Âu có thể mở một cuộc cấm vận đặc biệt nhằm vào những nhân vật chịu trách nhiệm cho hành động xâm lăng này. 

Mỹ không thể làm được gì để cản ngăn những hành động của Putin, nhưng Mỹ có thể ngồi lại cùng với những đồng minh để đưa ra một thảm họa chiến lược dành cho ông ta.

Rõ ràng, Ukraine đã không còn nằm trong quỹ đạo của Nga. Nhiều thế hệ người Ukraine chưa quên những tháng ngày đen tối thời Liên bang Xô viết. Những quốc gia châu Âu đang có mối quan hệ mật thiết với Nga, nay bỗng phải giật mình nghĩ lại. Đến cả Trung Quốc nước láng giềng có cùng biên giới trên 4000 km cũng phải xem xét lại mối quan hệ ngờ vực này.

Còn những người dân Nga sẽ nhìn Putin như thế nào? Một kẻ độc tài, độc đoán, độc ác. Tất nhiên Putin chẳng bao giờ muốn điều này. 

Bán đảo Crimea có 60% dân số nói tiếng Nga, nhưng 40% còn lại rừng rực trong lòng một mối căm hờn. Hãy nhớ Crimea là một miền đất nối dài của dải Kavkaz. Nơi đây người Nga đã từng vật lộn trong đau thương với những tay súng thiện chiến Hồi giáo. 

Trước mắt Putin đang có vẻ như giành được thế công trên bàn cờ quốc tế. Nhưng về lâu dài thì cái giá mà Putin phải trả sẽ là rất đắt.

March 3, 2014

© Trần Hồng Tâm

© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment